chuot-rut

Chuột rút: Nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa

09/09/2024 40 lượt xem

Chuột rút là tình trạng rất hay gặp trong đời sống, đặc biệt tình trạng này thường xuất hiện khi duy trì một tư thế trong thời gian dài. Vậy nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa dấu hiệu này như thế nào, hãy cùng Menacal tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

Chuột rút là gì?

Chuột rút hay còn được biết đến với tên gọi là vọp bẻ. Đây là hiện tượng các cơ sinh học bị co thắt đột ngột khi không chú ý và gây ra phản ứng đau nhức khá dữ dội. Cơn co thắt này thường kéo dài từ vài giây đến vài phút, khiến cho vùng cơ bị ảnh hưởng, trở nên cứng và rất khó di chuyển.

Chuột rút có thể xảy ra ở bất kỳ nhóm cơ nào ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Tuy nhiên, một số vị trí thường gặp hơn bao gồm: bắp chân, phần sau đùi, bụng, các ngón chân hoặc lòng bàn chân, ngón tay hoặc lòng bàn tay, vùng thắt lưng.

Trong đó, vùng bắp chân là vị trí bị chuột rút phổ biến nhất. Cơn đau do chuột rút nếu nghiêm trọng có thể khiến cho người bệnh khó di chuyển và khó sử dụng cơ. Trong một số trường hợp, vùng bị chuột rút có thể bị sưng phồng lên và có thể nhìn thấy được bằng mắt thường.

Phân loại chuột rút

Người ta thường phân loại chuột rút thành 4 loại, đó là chuột rút cơ xương, chuột rút cơ trơn, chuột rút về đêm và chuột rút do thuốc.

Chuột rút tại các vị trí như bắp chân, đùi và vòm bàn chân… chính là chuột rút cơ xương. Tình trạng này thường xảy ra khi hoạt động thể chất gắng sức hoặc khi thư giãn quá lâu và không hoạt động. Ước tính khoảng 40% chuột rút cơ xương gây đau đớn dữ dội và có thể tạm thời không vận động được. Khả năng hồi phục sẽ phụ thuộc vào các yếu tố nguy cơ được nêu bên dưới.

Chuột rút xảy ra lúc đang ngủ hoặc nghỉ ngơi vào ban đêm được gọi là chuột rút về đêm. Cơn co thắt này phổ biến hơn ở người cao tuổi, các thanh thiếu niên tập thể dục vào ban đêm hoặc phụ nữ mang thai.

Cơn co thắt tại các cơ trơn có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lạc nội mạc tử cung hoặc một số vấn đề sức khỏe khác. Ngoài ra, đau bụng kinh trong kỳ kinh nguyệt cũng là một loại co thắt cơ bắp.

Một số loại thuốc như: thuốc lợi tiểu, đường sacaroza tiêm tĩnh mạch, naproxen, raloxifene hoặc thuốc chủ vận beta adrenergic tác dụng kéo dài có thể gây ra các cơn chuột rút.

Nguyên nhân gây chuột rút

Tình trạng chuột rút có thể xảy ra sau khi làm việc quá sức hoặc bị cơ bị căng quá mức, dịch cơ thể bị mất qua đường mồ hôi hoặc chỉ đơn giản là giữ nguyên một tư thế trong thời gian dài.

Một số nguyên nhân gây chuột rút
Một số nguyên nhân gây chuột rút

Thường thì người ta không để ý đến nguyên nhân, bởi hầu hết các cơn chuột rút cơ đều vô hại. Tuy nhiên,  chuột rút đôi khi lại có thể liên quan đến vấn đề về sức khỏe, chẳng hạn như:

  • Lưu lượng máu kém: Các động mạch đưa máu đến chân bị thu hẹp có thể gây ra những cơn đau ở chân và bàn chân khi tập thể dục. Những cơn chuột rút do nguyên nhân này thường sẽ biến mất sau khi ngừng tập.
  • Chèn ép dây thần kinh: Áp lực gây ra trên các dây thần kinh ở cột sống cũng có thể là nguyên nhân gây ra cơn đau quặn ở chân. Cơn đau thường nặng hơn khi đi bộ. Đi bộ hơi cúi về phía trước như khi đang đẩy xe đẩy hàng có thể làm giảm cơn đau quặn.
  • Không đủ khoáng chất: Quá ít kali, canxi hoặc magiê trong chế độ ăn uống hằng ngày cũng có thể gây ra chuột rút ở chân. Đặc biệt ở các bệnh nhân tăng huyết áp thường được kê thuốc lợi tiểu có thể làm cơ thể mất các khoáng chất này làm tăng nguy cơ bị chuột rút.

Một số yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng bị chuột rút có thể kể đến như:

  • Tuổi tác: Người lớn tuổi sẽ bị mất đi một lượng cơ. Khi đó, cơ không thể hoạt động mạnh và sẽ dễ bị căng thẳng hơn.
  • Thể lực kém: Không có đủ sức khỏe để hoạt động khiến cơ bắp dễ bị mỏi hơn và tăng nguy cơ gây chuột rút.
  • Đổ mồ hôi quá nhiều: Các vận động viên mệt mỏi và đổ nhiều mồ hôi khi chơi thể thao trong thời tiết nắng nóng thường rất dễ bị chuột rút.
  • Mang thai: Chuột rút ở cơ là tình trạng khá phổ biến trong thời kỳ mang thai, đặc biệt vào những tháng cuối thai kỳ.
  • Các bệnh lý: Mắc bệnh đái tháo đường hoặc các bệnh liên quan đến thần kinh, gan, tuyến giáp cũng có thể làm tăng nguy cơ chuột rút.
  • Cân nặng: Thừa cân béo phì có thể làm tăng nguy cơ chuột rút. [1]Muscle cramp – Symptoms and causes – Truy cập ngày 21/08/2024.
    https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/muscle-cramp/symptoms-causes/syc-2035082

Triệu chứng của chuột rút

Co thắt cơ có thể diễn ra từ nhẹ đến nặng. Trong những trường hợp nhẹ, bạn có thể cảm thấy như cơ bắp của mình đang tự nhảy lên tại một vùng cơ nào đó trên cơ thể. Đôi khi, bạn thậm chí có thể thấy cơ bắp của mình đang hơi co giật.

Trong những trường hợp chuột rút nghiêm trọng hơn, người bệnh có thể cảm thấy như toàn bộ cơ bắp của mình đóng cứng lại thành một quả bóng chặt. Điều này xảy ra rất nhiều và dễ thấy nhất đối với chuột rút ở bắp chân. Nếu cơn chuột rút đặc biệt gây đau đớn, bạn có thể cảm thấy hơi đau nhức và khó chịu đến 1 hoặc 2 ngày sau đó.

Nếu nguyên nhân gây co thắt cơ liên quan đến hệ thần kinh thì người bệnh sẽ còn có một số triệu chứng như:

  • Đau cơ
  • Yếu cơ
  • Tê liệt
  • Khó ngủ
  • Gặp các vấn đề về thị lực. [2]Muscle Spasms (Muscle Cramps) – Truy cập ngày 21/08/2024.
    https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/muscle-spasms-muscle-cramps#symptoms-and-causes

Xét nghiệm và chẩn đoán chuột rút

Đối với những cơn đau thông thường, chuột rút không đòi hỏi phải làm xét nghiệm chuyên sâu để chẩn đoán. Bác sĩ thường có thể đưa ra chẩn đoán dựa trên mô tả các triệu chứng của bệnh nhân và tiền sử bệnh.

Trong một số trường hợp, việc xét nghiệm và chẩn đoán chuột rút là cần thiết
Trong một số trường hợp, việc xét nghiệm và chẩn đoán chuột rút là cần thiết

Tuy nhiên, trong những trường hợp phức tạp hơn thì bác sĩ có thể yêu cầu làm các xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây ra chuột rút và các vấn đề liên quan như:

  • Thời gian bị chuột rút
  • Vị trí cơ bị ảnh hưởng
  • Thuốc đang sử dụng
  • Thói quen tập thể dục
  • Thói quen uống rượu hoặc sử dụng các chất kích thích
  • Lượng nước cơ thể tiêu thụ mỗi ngày

Đặc biệt khi các cơn co thắt xảy ra thường xuyên, nghiêm trọng hoặc đi kèm với các triệu chứng khác.

Các xét nghiệm có thể được chỉ định để chẩn đoán chuột rút như:

  • Xét nghiệm máu: Để kiểm tra các chất điện giải (kali, natri, magie, canxi), chức năng thận, đường huyết và các chỉ số khác có thể liên quan đến chuột rút.
  • Điện tâm đồ: Để kiểm tra hoạt động của tim, loại trừ các vấn đề về tim mạch có thể gây chuột rút.
  • X-quang: Để kiểm tra các vấn đề về xương hoặc khớp có thể gây ra chuột rút.
  • Điện cơ: Để đánh giá hoạt động của các dây thần kinh và cơ và các bất thường liên quan.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) não và thường là tủy sống: trong trường hợp bị yếu cơ hoặc có dấu hiệu cho thấy tổn thương thần kinh trung ương. [3]Chuột rút – Rối loạn thần kinh – Cẩm nag MSD – Phiên bản dành cho chuyên gia – Truy cập ngày … Continue reading

Phương pháp điều trị chuột rút hiệu quả

Như đã nói ở trên, chuột rút là tình trạng co thắt cơ bắp đột ngột và gây ra cảm giác đau nhức. Mặc dù thường tự khỏi, nhưng có nhiều cách để giảm đau và phòng ngừa chuột rút tái phát lại lần nữa.

Phương pháp điều trị tại nhà

  • Kéo giãn cơ: Khi bị chuột rút, hãy nhẹ nhàng kéo căng cơ bị co thắt. Ví dụ, nếu bị chuột rút bắp chân, hãy ngồi xuống và kéo mũi chân về phía bạn.
  • Xoa bóp: Massage nhẹ nhàng vùng cơ bị chuột rút có thể giúp giảm đau và thư giãn cơ.
  • Chườm nóng hoặc lạnh: Chườm nóng có thể giúp thư giãn cơ, trong khi chườm lạnh có thể giảm viêm.
  • Uống nhiều nước: Mất nước là một nguyên nhân phổ biến gây chuột rút, vì vậy hãy đảm bảo uống đủ nước.
  • Bổ sung chất điện giải: Các chất điện giải như kali, magie và canxi rất quan trọng cho chức năng cơ bắp. Bạn có thể bổ sung chúng qua chế độ ăn uống hoặc các loại thực phẩm chức năng.
Massage giúp giảm đau và thư giãn cơ
Massage giúp giảm đau và thư giãn cơ

Điều trị bằng thuốc

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê đơn thuốc để giảm đau và thư giãn cơ, chẳng hạn như:

  • Thuốc giảm đau không kê đơn: Paracetamol, ibuprofen là các thuốc giúp giảm đau.
  • Thuốc giãn cơ: Các thuốc này giúp thư giãn cơ bắp và giảm các cơn co thắt, đặc biệt đối với các cơn chuột rút vào ban đêm.

Điều trị các bệnh lý nền

Nếu chuột rút do các bệnh lý nền gây ra, việc điều trị các bệnh lý nền cũng giúp giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của chuột rút. Một số bệnh lý nền liên quan có thể kể đến như:

  • Bệnh tiểu đường: Cần kiểm soát đường huyết chặt chẽ thông qua thuốc điều trị, chế độ ăn uống hợp lý và tập luyện thể thao đều đặn. Việc kiểm soát tốt đường huyết sẽ giúp giảm nguy cơ bị chuột rút.
  • Suy giáp: Sử dụng hormon thay thế (levothyroxine) theo chỉ định của bác sĩ để điều chỉnh nồng độ hormone tuyến giáp, từ đó giảm các triệu chứng như chuột rút.
  • Bệnh thận mạn tính: Quản lý bệnh thận mạn tính bằng cách kiểm soát huyết áp, chế độ ăn uống ít muối, hạn chế protein và điều trị các biến chứng như thiếu máu hoặc suy dinh dưỡng.
  • Bệnh lý về mạch máu: Các bệnh lý như suy tĩnh mạch hoặc bệnh động mạch ngoại biên có thể gây ra chuột rút do tuần hoàn máu kém. Việc điều trị bao gồm cải thiện tuần hoàn máu thông qua thuốc, tập thể dục, và trong một số trường hợp có thể cần phẫu thuật.
  • Hội chứng chân không yên (Restless Leg Syndrome): Sử dụng các loại thuốc giúp kiểm soát triệu chứng như dopamine agonists, thuốc chống co giật, hoặc thuốc an thần theo chỉ định của bác sĩ. [4]Muscle cramp – Truy cập ngày 21/08/2024.
    https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/conditionsandtreatments/muscle-cramp#symptoms-of-muscle-cramp

Chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng phòng ngừa chuột rút

Để phòng ngừa chuột rút hiệu quả, bạn nên kết hợp một chế độ ăn uống cân bằng, giàu dinh dưỡng, cùng với chế độ sinh hoạt lành mạnh và hợp lý.

Kết hợp chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng hợp lý giúp phòng ngừa chuột rút
Kết hợp chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng hợp lý giúp phòng ngừa chuột rút

Chế độ sinh hoạt

Vận động hợp lý:

  • Tập thể dục đều đặn giúp tăng cường cơ bắp, cải thiện lưu thông máu và giảm nguy cơ chuột rút.
  • Làm ấm cơ thể trước khi tập luyện bằng các bài khởi động nhẹ nhàng.
  • Không tập quá sức hoặc tập luyện trong thời gian dài liên tục.

Nghỉ ngơi đầy đủ:

  • Giấc ngủ ngon và đủ giấc sẽ giúp cơ thể phục hồi năng lượng và giảm căng thẳng.
  • Hạn chế thay đổi tư thế đột ngột.
  • Đặc biệt khi đã ngồi hoặc đứng lâu, nên đứng dậy đi lại nhẹ nhàng để tránh chuột rút.
  • Massage nhẹ nhàng vùng cơ thường xuyên bị chuột rút giúp thư giãn cơ bắp. [5]Muscle Spasms (Muscle Cramps) – Truy cập ngày 21/08/2024.
    https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/muscle-spasms-muscle-cramps#symptoms-and-causes

Chế độ dinh dưỡng

Mất nước là một trong những nguyên nhân phổ biến gây chuột rút. Vì thế, hãy uống đủ nước mỗi ngày để duy trì độ ẩm phù hợp cho cơ thể. Bên cạnh đó, cần tăng cường thêm các chất điện giải như:

  • Kali: Có nhiều trong chuối, khoai lang, rau lá xanh đậm.
  • Magie: Có nhiều trong các loại hạt, đậu, ngũ cốc nguyên hạt, rau lá xanh đậm.
  • Canxi: Có nhiều trong sữa, các sản phẩm từ sữa, rau lá xanh đậm.
  • Natri: Có nhiều trong muối, nhưng cần dùng với lượng vừa phải.

Bổ sung các vitamin:

  • Vitamin D: Tăng cường hấp thu canxi vào cơ thể.
  • Vitamin B: Đóng vai trò quan trọng trong chuyển hóa năng lượng.

Dưới đây là một số loại thực phẩm tốt cho người hay bị chuột rút được các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo:

  • Chuối: Chứa hàm lượng lớn kali và giúp cân bằng điện giải.
  • Khoai lang: Cung cấp kali, magie và vitamin B.
  • Rau lá xanh đậm: Cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất.
  • Các loại hạt: Giàu magie và vitamin E.
  • Sữa và các sản phẩm từ sữa: Cung cấp canxi tự nhiên.
  • Cá béo: Cung cấp omega-3 có tác dụng giảm viêm.

Cuối cùng, hãy hạn chế sử dụng caffeine và rượu bởi chúng có thể làm tăng nguy cơ mất nước và gây co thắt cơ bắp. [6]Foods That May Help With Muscle Cramps – Truy cập ngày 21/08/2024.
https://www.webmd.com/pain-management/ss/slideshow-muscle-cramps-foods

Chung quy lại, dù ở bất kỳ tình trạng cơ thể nào, để điều trị hiệu quả và tránh chuột rút tái phát, bạn cần kết hợp tất cả các yếu tố như chế độ dinh dưỡng đầy đủ, vận động phù hợp và đôi khi có thể sử dụng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ. Bị chuột rút có nguy hiểm không? Khi nào nên đi khám?

Mặc dù phần lớn tình trạng chuột rút cơ là vô hại và có thể tự hết trong vài phút, nhưng đôi khi chuột rút cơ có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng sức khỏe nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như:

  • Kích thích hoặc chèn ép dây thần kinh cột sống (bệnh lý rễ thần kinh)
  • Xơ vữa động mạch
  • Hẹp ống sống (hẹp ống sống)
  • Bệnh tuyến giáp
  • Nhiễm trùng mãn tính
  • Xơ gan
  • Bệnh Lou Gehrig (xơ cứng teo cơ một bên, hay ALS) rất hiếm gặp

Vậy khi nào bạn nhận ra và nên đi khám bác sĩ? Trong những trường hợp sau, hãy đi khám bác sĩ ngay:

  • Chuột rút xảy ra thường xuyên và gây ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống hàng ngày.
  • Chuột rút đi kèm với các triệu chứng khác như sưng, đỏ, yếu cơ, đau kéo dài.
  • Chuột rút xảy ra sau khi bị chấn thương cơ.
  • Chuột rút xảy ra cùng với các bệnh mãn tính như tiểu đường, thận…[7]Muscle Cramps – Truy cập ngày 21/08/2024.
    https://orthoinfo.aaos.org/en/diseases–conditions/muscle-cramps
Chuột rút là tình trạng phổ biến nhưng cũng có thể cảnh báo tình trạng sức khỏe
Chuột rút là tình trạng phổ biến nhưng cũng có thể cảnh báo tình trạng sức khỏe

Mong rằng bài viết trên đã mang lại cho bạn những thông tin cần thiết và liên quan đến chủ đề “Chuột rút”. Nếu có thêm bất kỳ câu hỏi nào xung quanh vấn đề này, hãy truy cập ngay vào website Menacal.vn hoặc gọi điện đến số hotline 1900 636 985 để được tư vấn trực tiếp bởi các chuyên gia.

References

References
1 Muscle cramp – Symptoms and causes – Truy cập ngày 21/08/2024.
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/muscle-cramp/symptoms-causes/syc-2035082
2, 5 Muscle Spasms (Muscle Cramps) – Truy cập ngày 21/08/2024.
https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/muscle-spasms-muscle-cramps#symptoms-and-causes
3 Chuột rút – Rối loạn thần kinh – Cẩm nag MSD – Phiên bản dành cho chuyên gia – Truy cập ngày 21/08/2024.
https://www.msdmanuals.com/vi-vn/professional/r%E1%BB%91i-lo%E1%BA%A1n-th%E1%BA%A7n-kinh/tri%E1%BB%87u-ch%E1%BB%A9ng-c%E1%BB%A7a-c%C3%A1c-b%E1%BB%87nh-l%C3%BD-th%E1%BA%A7n-kinh/chu%E1%BB%99t-r%C3%BAt
4 Muscle cramp – Truy cập ngày 21/08/2024.
https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/conditionsandtreatments/muscle-cramp#symptoms-of-muscle-cramp
6 Foods That May Help With Muscle Cramps – Truy cập ngày 21/08/2024.
https://www.webmd.com/pain-management/ss/slideshow-muscle-cramps-foods
7 Muscle Cramps – Truy cập ngày 21/08/2024.
https://orthoinfo.aaos.org/en/diseases–conditions/muscle-cramps