Gãy xương mác không phổ biến như gãy xương chày, nhưng vẫn gây đau đớn, cản trở khả năng vận động, khiến bạn gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Vậy gãy xương mác bao lâu thì lành? Cùng Menacal tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây nhé!
Xương mác là gì? Chức năng của xương mác
Xương mác là một trong hai xương chính ở dưới cẳng chân, nằm phía sau và nhỏ hơn xương chày – xương phía trước. Đầu trên liên kết với xương chày qua khớp chày – mác trên, không tham gia vào khớp gối. Đầu dưới mở rộng theo chiều ngang, đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành khớp mắt cá chân.
Xương mác không chịu nhiều trọng lực như xương chày. Thay vào đó, xương mác hỗ trợ sự ổn định của chân, tạo điểm bám cho cơ và dây chằng, cung cấp phạm vi chuyển động trong quá trình xoay cổ chân, bảo vệ các dây thần kinh và mạch máu. [1]Fibula (Calf Bone). Truy cập ngày 04/ 03/ 2025
https://my.clevelandclinic.org/health/body/23122-fibula-calf-bone
Gãy xương mác là chấn thương nghiêm trọng do nhiều nguyên nhân như: tai nạn giao thông, chấn thương khi chơi thể thao, luyện tập quá mức, loãng xương… Các dấu hiệu thường gặp bao gồm: đau nhức, sưng tấy cẳng chân, xuất hiện vết bầm tím hoặc chảy máu, giảm khả năng hoạt động, đôi khi chân biến dạng có thể nhìn thấy bằng mắt thường…
Gãy xương mác bao lâu thì lành?
Vậy gãy xương mác bao lâu thì lành? Thông thường, bạn mất khoảng 7 – 10 ngày để giảm tình trạng sưng tấy, phù nề và mất 6 tuần để hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, thời gian lành vết thương có thể kéo dài hơn tuỳ thuộc vào rất nhiều yếu tố.
Các giai đoạn phục hồi của xương mác
- Giai đoạn viêm (0 – 7 ngày): Cơ thể kích hoạt phản ứng viêm để loại bỏ các tế bào bị tổn thương, đồng thời hình thành cục máu đông tại vị trí gãy. Lúc này, người bệnh hạn chế tối đa vận động.
- Giai đoạn tạo mô liên kết và xương mới (2 – 6 tuần): Tế bào tạo xương bắt đầu sản sinh mô xương mới giúp nối 2 đầu gãy lại với nhau. Trong thời điểm này, bạn có thể thực hiện một số bài tập nhẹ nhàng theo hướng dẫn của chuyên gia để cải thiện sự linh hoạt, đặc biệt là ở vùng cổ chân.
- Giai đoạn tái tạo xương và hoàn thiện (6 tuần trở lên): Xương mới được hình thành chắc chắn và có thể chịu lực tốt hơn. Người bệnh tập đứng và đi lại nhẹ nhàng với sự hỗ trợ của nạng hoặc khung tập đi.
Yếu tố ảnh hưởng đến thời gian lành của xương mác
- Tuổi tác: Tốc độ tái tạo xương của người trẻ nhanh hơn người lớn tuổi.
- Tình trạng sức khoẻ: Người mắc các bệnh lý nền như: suy dinh dưỡng, loãng xương, đái tháo đường… có thể gặp khó khăn trong quá trình lành vết gãy.
- Loại gãy xương: Gãy hở (xương gãy đâm xuyên qua da) thường kèm theo nhiều tổn thương khác như mất da, nhiễm trùng… nên cần nhiều thời gian hồi phục hơn so với gãy kín (xương gãy nhưng da còn nguyên vẹn).
- Mức độ nghiêm trọng: Xương bị gãy ngang thường dễ lành hơn so với xương gãy xoắn hoặc gãy vụn.
- Thói quen sinh hoạt và chăm sóc sau chấn thương: Bổ sung chế độ dinh dưỡng đầy đủ, vận động hợp lý và tuân thủ hướng dẫn y tế giúp quá trình tạo xương diễn ra thuận lợi hơn.

Những lưu ý cần biết khi phục hồi sau gãy xương mác
Một số vấn đề cần lưu ý để tăng tốc độ và khả năng phục hồi sau gãy xương mác:
Chế độ dinh dưỡng hỗ trợ phục hồi xương
Chế độ dinh dưỡng là chìa khóa thúc đẩy quá trình hình thành tế bào xương mới, tái tạo nhanh vết gãy. Các chất cần thiết nhất là:
- Canxi: Có trong sữa và các sản phẩm từ sữa (sữa chua, phô mai…), cá hồi, hạnh nhân, rau màu xanh đậm…
- Vitamin D: Được tìm thấy nhiều trong cá hồi, cá thu, lòng đỏ trứng… Ngoài ra, bạn có thể hấp thụ vitamin D qua da bằng cách tắm nắng.
- Collagen: Hàm lượng lớn trong nước hầm xương, thịt gà, các loại quả giàu vitamin C như cam, chanh, kiwi, dâu tây, ổi…
- Magie: Có trong rau màu xanh đậm, đậu phụ, hạnh nhân, chuối, hạt óc chó…
Một số thực phẩm cản trở khả năng hấp thụ canxi, làm giảm mật độ xương cần tránh trong giai đoạn này là: rượu bia, đồ ăn nhiều đường (bánh kẹo, kem, trái cây sấy khô, nước ngọt…), đồ ăn nhiều muối (xúc xích, lạp xưởng, thịt nguội, khoai tây chiên, mì ăn liền…)…

Phục hồi chức năng và vật lý trị liệu
Chân thường suy yếu và các khớp có xu hướng căng cứng sau khi bó bột hoặc nẹp trong vài tuần. Vì vậy, bạn cần thực hiện liệu pháp phục hồi chức năng để duy trì sức mạnh và độ dẻo dai, linh hoạt của chi dưới.
Đầu tiên, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng của từng người bệnh bằng một số phép đo như: phạm vi chuyển động của khớp, sức mạnh cơ bắp, mức độ đau, kiểm tra mô sẹo sau phẫu thuật…
Từ đó, bác sĩ lựa chọn được bài tập phù hợp, thường bắt đầu bằng các động tác đơn giản để tăng cường sức mạnh và cải thiện khả năng vận động của mắt cá chân. Khi bệnh nhân có thể chịu lực lên chân bị thương, bài tập đi bộ, bước chân và giữ thăng bằng sẽ được chỉ định. [2]What to know about fibula fractures. Truy cập ngày 04/ 03/ 2025
https://www.medicalnewstoday.com/articles/315565
Gợi ý một số bài tập phục hồi
Bài tập ban đầu giúp tăng phạm vi chuyển động của bàn chân và mắt cá chân:
- Động tác 1: Kéo căng, sau đó gập bàn chân hết mức có thể, lặp lại 10 lần.
- Động tác 2: Giữ gót chân chạm nhau, từ từ đưa các ngón chân ra xa nhau hết mức có thể, lặp lại 10 lần.
- Động tác 3: Hai bàn chân để cách xa nhau, xoay bàn chân theo hình tròn sang bên trái, sau đó đổi hướng ngược lại, lặp lại 10 lần.
Những bài tập từ tuần thứ 6 trở đi
Bài tập kéo giãn mắt cá chân:
- Động tác 1: Ngồi thoải mái, hai chân duỗi thẳng về phía trước. Dùng khăn quấn quanh bàn chân rồi từ từ kéo về phía người sao cho cảm nhận được sự căng giãn ở bắp chân. Giữ nguyên tư thế này trong khoảng 30 giây.
- Động tác 2: Ngồi thoải mái, chân duỗi thẳng, chĩa mũi chân xuống hết mức có thể. Sau đó, từ từ gập bàn chân hướng về phía người để kéo giãn tối đa phần mu bàn chân.
Bài tập thăng bằng:
Mức 1: Dành cho những người chưa thể đứng trên một chân.
- Động tác 1: Đứng thẳng, hai chân sát nhau, một tay vịn vào thành ghế hoặc một bề mặt chắc chắn khác. Giữ tư thế này trong 30 giây. Nếu thực hiện được, chuyển sang động tác 2.
- Động tác 2: Đứng với tư thế tương tự như trên nhưng không vịn tay trong vòng 30 giây. Nếu thực hiện được, chuyển sang động tác 3.
- Động tác 3: Đứng một chân trước một chân sau sao cho hai bàn chân sát nhau hết mức có thể, tay vịn vào thành ghế, giữ trong 30 giây. Nếu thực hiện được, lặp lại động tác mà không cần vịn tay.
Mức 2: Dành cho những người có thể đứng trên một chân.
- Động tác 1: Tay vịn vào thành ghế hoặc bề mặt chắc chắn khác, đứng trên 1 chân trong vòng 30 giây. Nếu thực hiện được, chuyển sang động tác 2.
- Động tác 2: Đứng một chân nhưng không vịn tay trong khoảng 30 giây. Nếu thực hiện được, chuyển sang động tác 3.
- Động tác 3: Thực hiện lại động tác trên nhưng nhắm mắt trong 30 giây. Đảm bảo môi trường xung quanh an toàn, có bề mặt chắc chắn gần đó để có thể vịn vào khi cần.
Phòng ngừa gãy xương mác
- Lựa chọn giày phù hợp cho từng loại hoạt động khác nhau, đặc biệt là những loại giày hỗ trợ mắt cá chân để giảm chấn thương khi tham gia thể thao.
- Thay giày định kỳ, không sử dụng sản phẩm kém chất lượng.
- Tập thể dục thường xuyên để duy trì sức mạnh cơ bắp và cải thiện độ dẻo dai của xương khớp.
- Bổ sung đủ canxi và vitamin D trong chế độ ăn uống hàng ngày để đảm bảo xương luôn chắc khoẻ.
- Giữ sàn nhà luôn gọn gàng, không có vật cản, không trơn trượt để tránh té ngã. [3]Fibula Fracture: Symptoms, Treatment, and More. Truy cập ngày 04/ 03/ 2025
https://www.healthline.com/health/fibular-fractures#prevention:~:text=Prevention%20tips%20for%20fractures
Mong rằng bài viết trên đã cung cấp đủ thông tin giúp bạn giải đáp câu hỏi: “Gãy xương mác bao lâu thì lành?”. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, mời bạn truy cập website menacal.vn hoặc liên hệ trực tiếp hotline 1900 636 985 để nhận được tư vấn từ các chuyên gia.
References
↑1 | Fibula (Calf Bone). Truy cập ngày 04/ 03/ 2025 https://my.clevelandclinic.org/health/body/23122-fibula-calf-bone |
---|---|
↑2 | What to know about fibula fractures. Truy cập ngày 04/ 03/ 2025 https://www.medicalnewstoday.com/articles/315565 |
↑3 | Fibula Fracture: Symptoms, Treatment, and More. Truy cập ngày 04/ 03/ 2025 https://www.healthline.com/health/fibular-fractures#prevention:~:text=Prevention%20tips%20for%20fractures |