Tiền sản giật là một rối loạn thường xảy ra vào giai đoạn cuối của thai kỳ với những dấu hiệu điển hình như: huyết áp cao, protein niệu, phù phổi… Vậy bị tiền sản giật có nguy hiểm không? Nếu không điều trị kịp thời, mẹ bầu phải đối diện với những biến chứng nào? Cùng Menacal giải đáp những thắc mắc trên trong bài viết dưới đây nhé!
Tiền sản giật là gì? Những ai có nguy cơ bị tiền sản giật?
Tiền sản giật là rối loạn thai kỳ liên quan đến tăng huyết áp mới khởi phát, thường kèm theo protein niệu. Các dấu hiệu phổ biến khác như: tổn thương gan, thận, não; sưng phù chủ yếu ở tay, chân, mặt; thay đổi thị lực; giảm tiểu cầu; khó thở; rối loạn tiểu tiện… Tình trạng này thường xảy ra sau tuần thai thứ 20, chủ yếu là gần ngày sinh.
Hiện nay, chưa xác định được nguyên nhân dẫn đến tiền sản giật. Một số giả thuyết cho rằng bệnh lý bắt nguồn từ việc nhau thai bị tổn thương do không nhận đủ máu hoặc không phát triển đúng cách. Điều này ảnh hưởng đến mạch máu của người mẹ gây tăng huyết áp. Bên cạnh đó, chức năng của thận suy giảm khiến các protein quan trọng trong máu rò rỉ vào nước tiểu làm xuất hiện protein niệu.

Đối tượng có nguy cơ mắc tiền sản giật là: [1]Preeclampsia and Eclampsia – Gynecology and Obstetrics – MSD Manual Professional Edition. Truy cập ngày 27/ 07/ … Continue reading
- Phụ nữ mang thai lần đầu tiên.
- Phụ nữ mang thai trên 35 tuổi.
- Chỉ số khối cơ thể (BMI) trước khi mang thai > 30 (Dấu hiệu thừa cân, béo phì).
- Mẹ hoặc chị em gái ruột có tiền sử tiền sản giật.
Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ cao dẫn đến tiền sản giật bao gồm:
- Tiền sử tiền sản giật ở những lần mang thai trước đó.
- Rối loạn chức năng thận.
- Rối loạn tự miễn dịch.
- Đái tháo đường bao gồm cả tuýp 1 và tuýp 2.
- Tăng huyết áp mãn tính.

Tiền sản giật có nguy hiểm không?
Vậy bị tiền sản giật có nguy hiểm không? Mức độ nghiêm trọng của bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như: thời điểm phát hiện, tình trạng sức khỏe của sản phụ và được phân loại như sau:
- Tiền sản giật nhẹ: Huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHG và/ hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg (không vượt quá 160/110 mm Hg) sau ít nhất 2 lần đo, cách nhau ít nhất 4 giờ. Không có dấu hiệu bất thường nào khác ở mẹ và con.
- Tiền sản giật nặng: Huyết áp tâm thu ≥ 160 mmHG và/ hoặc huyết áp tâm trương ≥ 110 mmHg, kèm theo các dấu hiệu khác như: rối loạn chức năng gan, men gan tăng, suy giảm chức năng thận, giảm tiểu cầu, tan máu…
Đa số người bệnh đều hồi phục hoàn toàn và sinh con khỏe mạnh. Tuy nhiên, nhiều trường hợp bị tiền sản giật nặng không được can thiệp và xử lý kịp thời dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Điều này ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe, thậm chí là tính mạng của cả mẹ và bé.

Theo thống kê, tiền sản giật chiếm 2 – 8% các biến chứng liên quan đến thai kỳ, hơn 50.000 ca tử vong mẹ và hơn 500.000 ca tử vong thai nhi trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh lý này chiếm khoảng 4 – 5% trong tổng số phụ nữ mang thai. Các chuyên gia đánh giá rằng tiền sản giật là một trong năm tai biến sản khoa nguy hiểm cần ngăn chặn và xử lý kịp thời. [2]Preeclampsia – StatPearls – NCBI Bookshelf. Truy cập ngày 27/ 07/ 2024.
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK570611/
Do đó, ngay khi có những dấu hiệu bất thường như: đau đầu, đau bụng dữ dội, mắt mờ, nhạy cảm với ánh sáng, khó thở nghiêm trọng… mẹ đến cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ kiểm tra và có phương án điều trị phù hợp. Ngoài ra, mẹ nên khám định kỳ đều đặn để phát hiện sớm các bất thường có thể xảy ra trong thời kỳ mang thai.

Biến chứng tiền sản giật đối với mẹ
Tiền sản giật có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng và lâu dài đến sức khỏe của mẹ như:
- Sản giật: Sản giật là cơn co giật không tự chủ thường kéo dài trong vòng 1 phút. Tình trạng này chủ yếu xuất hiện ở vùng cánh tay, chân, cổ hoặc hàm của người mẹ. Sản giật có thể dẫn đến tổn thương não hoặc tàn tật vĩnh viễn.
- Hội chứng HELLP: Hội chứng HELLP là một chứng rối loạn đông máu và gan hiếm gặp, với 3 dấu hiệu điển hình là: tan máu, men gan tăng và giảm tiểu cầu. Cách duy nhất để điều trị tình trạng này là sinh em bé càng sớm càng tốt.
- Đột quỵ: Huyết áp tăng cao cản trở quá trình lưu thông máu lên não. Lúc này, não không nhận đủ oxy và chất dinh dưỡng. Các tế bào não sẽ chết, tổn thương và khiến người bệnh tử vong.
- Tổn thương các cơ quan: Mẹ bầu có nguy cơ cao bị phù phổi, suy gan, suy thận nếu điều trị tiền sản giật không đúng cách. Bất kỳ cơ quan nào bị tổn thương cũng có thể là nguyên nhân gây tử vong.
- Rối loạn đông máu: Quá trình đông máu rối loạn dẫn đến hai trường hợp. Trường hợp đầu tiên là máu khó đông gây mất máu. Ngược lại, đông máu diễn ra quá mức làm xuất hiện huyết khối khắp cơ thể khiến máu gặp khó khăn khi lưu thông và hỏng nhiều cơ quan.

Biến chứng tiền sản giật đối với thai nhi
Tiền sản giật không chỉ ảnh hưởng đến người mẹ, mà còn tác động không nhỏ đến thai nhi. Đây là nguyên nhân làm giảm oxy và chất dinh dưỡng truyền từ mẹ sang con. Từ đó, em bé kém phát triển và nhỏ hơn bình thường. Tình trạng này thường xảy ra khi tiền sản giật xuất hiện trước tuần thai thứ 37.
Nếu bệnh chuyển biến nghiêm trọng, thai nhi phải được sinh ra trước khi phát triển đầy đủ (sinh non), dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Điển hình là hội chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh (bệnh màng trong) với các triệu chứng như: khó thở dữ dội, tăng nhịp tim, rút lõm hõm ức, rút lõm lồng ngực…
Đối với trường hợp này, bé phải ở trong phòng chăm sóc đặc biệt để theo dõi và điều trị. Một số thai nhi khác kém may mắn có thể bị chết lưu trong tử cung.
Kết luận: Tiền sản giật là bệnh lý nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của cả mẹ và bé. Vì vậy, mẹ nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa và kiểm tra sức khỏe định kỳ, thăm khám bác sĩ ngay khi cảm thấy những dấu hiệu bất thường. Đây là cách phát hiện sớm tiền sản giật hay bất kỳ bệnh lý nào khác và có phương án điều trị kịp thời.

Mong rằng bài viết trên đã giúp bạn giải đáp câu hỏi: “Tiền sản giật có nguy hiểm không?”. Chúc hành trình mang thai của bạn đầy ắp niềm vui! Mời bạn truy cập website menacal.vn để có thêm những thông tin hữu ích về việc chăm sóc sức khỏe thai kỳ. Nếu có bất kỳ băn khoăn nào, bạn vui lòng liên hệ trực tiếp hotline 1900 636 985 để nhận được tư vấn từ các chuyên gia.
References
↑1 | Preeclampsia and Eclampsia – Gynecology and Obstetrics – MSD Manual Professional Edition. Truy cập ngày 27/ 07/ 2024. https://www.msdmanuals.com/en-gb/professional/gynecology-and-obstetrics/antenatal-complications/preeclampsia-and-eclampsia |
---|---|
↑2 | Preeclampsia – StatPearls – NCBI Bookshelf. Truy cập ngày 27/ 07/ 2024. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK570611/ |