Huyết áp cao trong các giai đoạn mang thai không chỉ gây mệt mỏi, khó chịu mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro nguy hiểm cho cả mẹ bầu và em bé. Nếu mẹ đang lo lắng không biết làm gì khi bà bầu bị huyết áp cao thì hãy đọc ngay bài viết sau của Menacal.
Giải đáp thắc mắc về huyết áp cao khi mang thai
Trước khi tìm hiểu làm gì khi bà bầu bị huyết áp cao, mẹ cần hiểu tình trạng huyết áp cao là thế nào.
Hiện tượng huyết áp cao khi mang thai là gì?
Huyết áp cao (còn gọi là Pregnancy-Induced Hypertension) là hiện tượng tăng huyết áp xảy ra sau tuần thai thứ 20 và thường trở lại về mức bình thường trong vòng 6 tuần sau sinh. Phụ nữ mang thai có thể bị huyết áp cao mức nhẹ (từ 140 – 159/90 – 109 mmHg) hoặc mức nặng (≥160/100 mmHg). [1]High Blood Pressure in Pregnancy. Truy cập ngày 6/2/2025.
https://medlineplus.gov/highbloodpressureinpregnancy.html

Phân loại hiện tượng huyết áp cao khi mang thai
Hiện tượng cao huyết áp khi mang thai được chia ra thành nhiều loại như sau: [2]High blood pressure and pregnancy: Know the facts. Truy cập ngày 6/2/2025.
https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/pregnancy-week-by-week/in-depth/pregnancy/art-20046098
- Tăng huyết áp mãn tính: Là tình trạng huyết áp cao xảy ra trước khi mang thai hoặc phát triển trong nửa đầu thai kỳ (trước tuần thai thứ 20).
- Tăng huyết áp thai kỳ: Là tình trạng huyết áp cao xảy ra trong nửa sau của thai kỳ (sau tuần thai thứ 20). Tuy nhiên nếu huyết áp tiếp tục tăng cao sau này thì có thể dẫn tới tình trạng tăng huyết áp mãn tính.
- Tăng huyết áp mãn tính kèm tiền sản giật: Là tình trạng xảy ra khi bà bầu có huyết áp cao mãn tính trầm trọng đi kèm với sự xuất hiện của protein trong nước tiểu trước đó hoặc xuất hiện các biến chứng khác.
- Tiền sản giật: Là biến chứng nghiêm trọng đe dọa tới tính mạng của bà bầu. Tiền sản giật được xác định dựa trên việc kiểm tra huyết áp tâm thu lớn hơn 140 mmHg hoặc huyết áp tâm trương nhỏ hơn 90 mmHg và xuất hiện protein ở trong nước tiểu. Tiền sản giật thường xảy ra từ tuần thai thứ 20 ở những thai phụ có huyết áp bình thường trước đó và có sự liên quan đến suy nhược thai phôi, có thể gây ra sinh non.
- Hội chứng HELLP: Là một loại tiền sản giật hiếm gặp, làm tăng men gan, huyết tán và tiểu cầu thấp làm cho tế bào hồng cầu bị phá hủy, đe dọa trực tiếp tới mạng sống của bà bầu.
Nguyên nhân khiến bà bầu tăng huyết áp khi mang thai
Có một số yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng bà bầu bị cao huyết áp, bao gồm: [3]Hypertension (High Blood Pressure) During Pregnancy. Truy cập ngày 6/2/2025.
https://www.yalemedicine.org/conditions/hypertension-high-blood-pressure-during-pregnancy
- Bà bầu bị béo phì.
- Bà bầu bị bệnh tiểu đường.
- Bà bầu tăng huyết áp mãn tính trước khi mang thai.
- Một số tình trạng bệnh lý đã có từ trước, như bệnh tự miễn.
- Bà bầu cao tuổi (35 trở lên).
- Bà bầu mang thai lần đầu tiên.
- Bà bầu đa thai (sinh đôi hay nhiều hơn).
- Bà bầu có mức cholesterol cao.
- Bà bầu có tiền sử cá nhân hay gia đình có người bị cao huyết áp khi mang thai.
- Không có nguyên nhân chính xác vì sao phụ nữ mang thai bị tiền sản giật/sản giật hoặc hội chứng HELLP.

Tìm hiểu cần phải làm gì khi bà bầu bị huyết áp cao
Nếu đang bối rối khi mẹ bầu bị huyết áp cao nên làm gì thì mẹ nên điều chỉnh khẩu phần ăn và thay đổi chế độ sinh hoạt hợp lý.
Thay đổi chế độ ăn uống
Thực hiện một chế độ dinh dưỡng đủ chất và lành mạnh là cách giúp các bà bầu kiểm soát tình trạng huyết áp của mình, cụ thể:
- Ăn nhạt, giảm muối: Không nên thêm nhiều muối và nước mắm khi chế biến món ăn bởi khẩu phần ăn có nhiều muối có thể làm tăng huyết áp một cách đáng kể. Một chế độ ăn nhạt với lượng muối nhỏ hơn 5gr/ngày sẽ giúp mẹ duy trì huyết áp ổn định cũng như giảm nguy cơ bị bệnh tim mạch.
- Bổ sung thực phẩm giàu kali, magie: Thực phẩm giàu kali và magie là lựa chọn tuyệt vời cho bà bầu bị cao huyết áp bởi các vi chất này sẽ giúp cân bằng điện giải, điều hòa huyết áp và tăng cường sức khỏe tổng thể. Mẹ nên ăn nhiều các thực phẩm như chuối, rau xanh, cá hồi..
- Uống đủ nước, tránh đồ uống có caffeine: Bổ sung đủ nước và tránh dùng thức uống chứa caffeine hay các chất kích thích như bia rượu là điều cần thiết khi mẹ bầu bị huyết áp cao.
- Tránh thực phẩm chế biến sẵn, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ: Các món ăn nhiều dầu mỡ dễ làm tăng cholesterol máu và huyết áp mẹ nên tránh, trong khi thực phẩm chế biến sẵn cũng được tẩm đường không tốt cho sức khỏe bà bầu.

Điều chỉnh lối sống
Điều chỉnh lối sống lành mạnh khi bị cao huyết áp sẽ giúp mẹ khỏe mạnh hơn cũng như trải qua một thai kỳ thuận lợi: [4]How To Lower Blood Pressure During Pregnancy. Truy cập ngày 6/2/2025.
https://health.clevelandclinic.org/how-to-lower-blood-pressure-during-pregnancy
- Nghỉ ngơi đầy đủ, ngủ đủ giấc: Thiếu ngủ là yếu tố làm tăng huyết áp và khiến bệnh trầm trọng hơn. Mẹ bầu cao huyết áp nên dành thời gian ngủ tối thiểu 7-8 tiếng mỗi ngày để điều hòa hormone và ổn định huyết áp.
- Tập thể dục nhẹ nhàng: Thực hiện những động tác thể dục nhẹ nhàng, phù hợp như yoga bầu, đi bộ, bơi lội sẽ giúp mẹ khỏe mạnh, tăng cường lưu thông máu tốt hơn.
- Giữ tinh thần thoải mái, tránh stress: Tình trạng căng thẳng, stress quá mức có thể làm tăng huyết áp cũng như các bệnh tim mạch, do đó bà bầu cần giữ bản thân thoải mái và tránh xa lo lắng.
Theo dõi huyết áp thường xuyên
Cần làm gì khi bà bầu bị huyết áp cao để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé? Khi bị cao huyết áp, bà bầu cần thực hiện theo dõi huyết áp thường xuyên cũng như lưu ý những điều sau:
- Kiểm tra huyết áp hàng ngày tại nhà: Đo huyết áp tại nhà hàng ngày sẽ giúp mẹ theo dõi chỉ số huyết áp hiệu quả. Mẹ nên đo huyết áp vào cùng một thời điểm trong ngày, tốt nhất vào buổi sáng hoặc buổi tối để có kết quả chính xác nhất.
- Khám thai định kỳ: Đi khám thai định kỳ sẽ giúp bác sĩ theo dõi tình trạng sức khỏe của mẹ và bé sát sao.
- Tuân thủ chỉ định của bác sĩ: Trong trường hợp đo huyết áp tại nhà cao hơn so với mức thông thường hoặc có các yếu tố nguy cơ của tăng huyết áp, bà bầu cần đến viện thăm khám sớm và tuân theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ.

Điều trị sử dụng thuốc hạ huyết áp cho bà bầu
Khi điều trị bằng thuốc hạ huyết áp, mẹ bầu cần luôn tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ về cách sử dụng thuốc, uống thuốc đúng liều, đúng thời gian và không tự ý ngưng thuốc hay thay đổi liều lượng mà không có sự chỉ định của bác sĩ.
Một số loại thuốc hạ huyết áp an toàn cho bà bầu gồm:
- Methyldopa: Giúp ngăn ngừa các biến chứng tăng huyết áp trong thai kỳ và tiền sản giật. Sử dụng thuốc methyldopa trong các giai đoạn mang thai rất phổ biến và ít có khả năng gây hại. Hầu hết các bà bầu sẽ bắt đầu điều trị sau 3 tháng đầu mang thai, khi thai nhi đã phát triển đầy đủ nên sẽ không gây ra dị tật bẩm sinh.
- Nifedipin: Là loại thuốc chẹn kênh canxi cũng được sử dụng nhiều cho bà bầu bị cao huyết áp. Hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy thuốc chẹn kênh canxi này có hại cho mẹ bầu trong thai kỳ.
- Aspirin: Thuốc liều thấp được sử dụng hàng ngày được khuyến cáo bổ sung để giảm nguy cơ bị tiền sản giật ở phụ nữ mang thai có nguy cơ cao. Aspirin được nghiên cứu an toàn sử dụng trong thai kỳ và được dùng sau giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ.
Trường hợp nếu mẹ đang dùng thuốc hạ huyết áp trước khi mang thai thì cần hỏi ý kiến của bác sĩ để được tư vấn việc tiếp tục sử dụng thuốc, thay đổi loại thuốc hay điều chỉnh liều lượng. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc hạ huyết áp khi mang thai để đảm bảo an toàn cho mẹ và em bé trong bụng.
Lưu ý sau sinh cho mẹ bầu bị cao huyết áp
Sau sinh nở, các sản phụ bị cao huyết áp cũng cần tiếp tục theo dõi huyết áp thường xuyên, đặc biệt là những trường hợp có nguy cơ cao. Nguyên nhân là bởi thời gian đầu sau sinh là thời điểm cơ thể sản phụ có nhiều thay đổi, sức khỏe còn yếu, chưa hồi phục nên dễ bị bệnh. Sản phụ cũng có thể bị tiền sản giật sau sinh khi trước đó mẹ bị cao huyết áp trong thai kỳ hoặc sau 20 tuần bị tăng huyết áp bất thường.
Chế độ ăn uống và sinh hoạt của mẹ sau sinh cũng cần được điều chỉnh với các lưu ý sau:
- Hạn chế bổ sung muối trong khẩu phần ăn hàng ngày, lưu ý lượng muối nêm trong các món ăn và muối có sẵn trong thực phẩm.
- Hạn chế ăn các loại chất béo, nhất là chất béo bão hòa (từ mỡ động vật).
- Bổ sung thêm nhiều rau củ và trái cây tươi trong bữa ăn.
- Tăng cường thêm thực phẩm giàu magie, kali.
- Tăng cường thực hiện các bài tập thể dục phù hợp, nhẹ nhàng với tần suất đều đặn.
- Không hút thuốc lá, hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp với khói thuốc lá.
- Tránh sử dụng thức uống có chứa chất kích thích.
- Giữ tinh thần thoải mái và thư giãn với các sở thích cá nhân, tránh bị stress.

Bà bầu sau sinh bị cao huyết áp cũng cần nhớ tái khám định kỳ để kiểm tra toàn diện sức khỏe và nắm được tình hình sức khỏe của bản thân. Nếu mẹ đang gặp các dấu hiệu sau đây thì cần đi khám ngay:
- Tình trạng tăng huyết áp với mức huyết áp đo được lớn hơn hoặc bằng 180/120 mmHg.
- Có dấu hiệu co giật, lừ đừ.
- Bị nôn ói, khó thở.
- Cảm giác đau tức ngực dữ dội.
- Hôn mê.
Tình trạng huyết áp cao khi mang thai có thể gây ra nhiều nguy hiểm cho bà bầu nếu không được kiểm soát tốt. Do đó mẹ cần thay đổi chế độ ăn uống và lối sống khoa học để duy trì huyết áp ở mức ổn định. Nếu thấy có dấu hiệu bất thường thì mẹ cần đi khám ngay để được điều trị kịp thời. Để biết thêm thông tin cần làm gì khi bà bầu bị huyết áp cao hay giải đáp những vấn đề liên quan, mẹ hãy truy cập ngay vào website menacal.vn hoặc liên lạc tới đường dây nóng 1900 636 985.
References
↑1 | High Blood Pressure in Pregnancy. Truy cập ngày 6/2/2025. https://medlineplus.gov/highbloodpressureinpregnancy.html |
---|---|
↑2 | High blood pressure and pregnancy: Know the facts. Truy cập ngày 6/2/2025. https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/pregnancy-week-by-week/in-depth/pregnancy/art-20046098 |
↑3 | Hypertension (High Blood Pressure) During Pregnancy. Truy cập ngày 6/2/2025. https://www.yalemedicine.org/conditions/hypertension-high-blood-pressure-during-pregnancy |
↑4 | How To Lower Blood Pressure During Pregnancy. Truy cập ngày 6/2/2025. https://health.clevelandclinic.org/how-to-lower-blood-pressure-during-pregnancy |