Gãy xương đòn bao lâu thì lành?

Gãy xương đòn bao lâu thì lành?

09/09/2024 41 lượt xem

Gãy xương đòn có thể xảy ra ở cả trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, thanh thiếu niên và người trưởng thành, làm cản trở các hoạt động thường ngày. Vậy gãy xương đòn bao lâu thì lành? Cùng Menecal tìm hiểu thời gian hồi phục chấn thương này trong bài viết dưới đây nhé!

Tổng quan về gãy xương đòn

Trước khi trả lời câu hỏi: “Gãy xương đòn bao lâu mới lành?”, mời bạn tìm hiểu những thông tin cơ bản về chấn thương tại vị trí đặc biệt này. Gãy xương đòn hay còn gọi là gãy xương quai xanh là những tổn thương ở vùng xương đòn – xương nằm ngang phía trước và trên của ngực, nối xương bả vai với xương ức. 

Gãy xương đòn có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau như: té ngã, tai nạn giao thông, tai nạn nghề nghiệp, chấn thương khi chơi thể thao, chấn thương trong quá trình sinh nở. Các triệu chứng thường gặp bao gồm: đau nhức, sưng tấy, cử động khó khăn, xương biến dạng, da bất thường, tê hoặc lạnh cánh tay… [1]Broken collarbone – Symptoms and causes. Truy cập ngày 05/ 09/ 2024.
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/broken-collarbone/symptoms-causes/syc-20370311

Nếu không chăm sóc và điều trị kịp thời, nhiều biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra như: chấn thương mạch máu hoặc dây thần kinh, xương không hồi phục hoàn toàn hoặc hồi phục chậm, xuất hiện khối u trong xương, viêm xương khớp, tràn khí, tràn máu màng phổi…

Đau nhức là triệu chứng thường gặp khi bị gãy xương đòn.
Đau nhức là triệu chứng thường gặp khi bị gãy xương đòn.

Phương pháp điều trị gãy xương đòn

Ngay khi phát hiện triệu chứng cảnh báo gãy xương đòn, bạn nên đi khám để xác định mức độ nghiêm trọng. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị phù hợp trong 2 loại sau: điều trị bảo toàn và phẫu thuật.  

Phương pháp điều trị bảo tồn

Điều trị bảo tồn thường được thực hiện khi xương không dịch chuyển quá xa so với vị trí ban đầu, có khả năng tự liền lại, không kèm theo dấu hiệu tổn thương mạch máu hoặc dây thần kinh lân cận. Các phương pháp khắc phục được áp dụng nhiều nhất là:

  • Sử dụng đai đeo số 8: Đai đeo số 8 (còn gọi là băng số 8) giúp cố định tay và vai ở đúng một vị trí cho đến khi vết thương hồi phục hoàn toàn. Ngoài ra, bạn có thể dùng áo Desault để nhận được kết quả tương tự.
  • Uống thuốc: Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng một số loại thuốc đẩy lùi đau nhức khi bị gãy xương đòn như: acetaminophen, ibuprofen…
  • Vật lý trị liệu: Bạn thực hiện các bài tập chuyển động khuỷu tay, cánh tay với cường độ từ thấp nhất và tăng dần theo thời gian để ngăn ngừa tình trạng cứng khớp, yếu cơ. 

Bạn đừng quên tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ để được kiểm tra và chụp X-quang, đảm bảo xương lành đúng vị trí. [2]Clavicle Fracture (Broken Collarbone) – OrthoInfo – AAOS. Truy cập ngày 05/ 09/ 2024.
https://orthoinfo.aaos.org/en/diseases–conditions/clavicle-fracture-broken-collarbone/

Sử dụng đai đeo số 8 là phương án điều trị gãy xương đòn phổ biến nhất.
Sử dụng đai đeo số 8 là phương án điều trị gãy xương đòn phổ biến nhất.

Phương pháp điều trị bảo tồn có ưu điểm và nhược điểm như sau:

Ưu điểm Nhược điểm
  • Đơn giản, tốn ít chi phí, dễ dàng thực hiện ngay tại nhà.
  • Tránh được những biến chứng nguy hiểm khi phẫu thuật như: mất máu, nhiễm trùng, tổn thương dây thần kinh hoặc mạch máu.
  • Mất nhiều thời gian để phục hồi hoàn toàn.
  • Xương có thể liền không đúng vị trí gây biến dạng và giảm chức năng.
  • Cảm giác khó chịu khi phải sử dụng đai đeo số 8 hoặc áo Desault liên tục trong thời gian dài. 

Phương pháp phẫu thuật

Bác sĩ đề xuất phương án phẫu thuật trong trường hợp xương bị lệch nhiều so với vị trí ban đầu, xương đâm qua da hoặc làm tổn thương các mô mềm xung quanh như: dây chằng, dây thần kinh, mạch máu. Ngoài ra, phẫu thuật còn được chỉ định khi gãy ở đoạn gần khớp ảnh hưởng đến chức năng vận động của vai hoặc xương không liền đúng cách sau khi dùng phương pháp điều trị bảo tồn.

Phẫu thuật gãy xương đòn thường được thực hiện như sau:

  • Dùng nẹp, vít hoặc đinh để cố định xương: Bác sĩ đặt một thanh nẹp làm từ kim loại lên bề mặt xương đòn và cố định bằng vít, hoặc đặt đinh vào trong ống tủy của xương. Cách này giúp xương lành lại ở đúng vị trí đã định trước.
  • Loại bỏ xương thừa: Trong trường hợp có mảnh xương thừa, bác sĩ sẽ cắt bỏ để hạn chế tổn thương các mô mềm xung quanh và giúp quá trình phục hồi diễn ra tốt hơn. 
  • Giảm đau: Bạn có thể chườm lạnh hoặc uống thuốc giảm đau không kê đơn (acetaminophen, ibuprofen…) để đẩy lùi tình trạng đau nhức sau phẫu thuật. Nếu cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn, bác sĩ sẽ đề xuất sử dụng thuốc giảm đau mạnh như opioid trong vài ngày. Loại thuốc này có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm. Vì vậy, bạn chỉ sử dụng khi bác sĩ yêu cầu và dùng đúng liều lượng, thời gian đã được chỉ định.
  • Phục hồi chức năng: Chuyên gia cung cấp kế hoạch luyện tập để cải thiện khả năng chuyển động và tăng cường sức mạnh của vai.
Thực hiện các bài tập cho vai và cánh tay sau khi phẫu thuật gãy xương đòn.
Thực hiện các bài tập cho vai và cánh tay sau khi phẫu thuật gãy xương đòn.

Phương pháp phẫu thuật có ưu điểm và nhược điểm như sau:

Ưu điểm Nhược điểm
  • Vết thương lành nhanh hơn so với phương pháp điều trị bảo tồn.
  • Đảm bảo xương hồi phục ổn định và đúng vị trí, giảm nguy cơ biến dạng. 
  • Khắc phục được các trường hợp gãy phức tạp kèm theo tổn thương mô mềm xung quanh.
  • Chi phí phẫu thuật và chăm sóc sau phẫu thuật tương đối cao.
  • Để lại sẹo ở vai hoặc ngực. 
  • Nguy cơ mắc biến chứng nghiêm trọng như: mất máu, nhiễm trùng, tổn thương dây chằng, dây thần kinh, mạch máu.
  • Trong một số trường hợp, cơ thể có thể đào thải các vật liệu như nẹp, vít hoặc đinh cản trở quá trình phục hồi. 
  • Cần thực hiện phẫu thuật lần 2 để lấy nẹp, vít hoặc đinh ra ngoài sau khi xương lành hoàn toàn.

Gãy xương đòn bao lâu thì lành?

Vậy gãy xương đòn vai bao lâu thì lành? Thời gian phục hồi của mỗi người là khác nhau phụ thuộc vào những yếu tố sau:

  • Mức độ gãy xương: Xương không lệch quá nhiều, không ảnh hưởng đến khớp có thể lành sau 4 – 6 tuần. Trong trường hợp xương bị dập, vỡ thành nhiều mảnh vụn, giảm chức năng của khớp, tổn thương dây chằng, dây thần kinh, mạch máu, thời gian phục hồi có thể kéo dài trên 3 tháng. 
  • Số lần gãy xương: Xương gãy lần đầu có thể liền sau 1 – 2 tháng. Đối với trường hợp bị gãy nhiều lần trước đó, xương có mô sẹo và khả năng tự chữa lành giảm sút. Vì vậy, thời gian ổn định và phục hồi có thể kéo dài trên 3 tháng. Và đôi khi bạn cần can thiệp thêm các biện pháp hỗ trợ quá trình lành xương.
  • Yếu tố bên ngoài: Chăm sóc đúng cách như: nghỉ ngơi đầy đủ, không cử động mạnh, đeo đai số 8 thường xuyên… giúp rút ngắn thời gian liền xương. Ngược lại, nếu không chăm sóc kỹ lưỡng, xương mất nhiều thời gian để phục hồi, thậm chí xương có thể liền không đúng vị trí gây biến dạng.
  • Độ tuổi: Xương đòn của trẻ em đang trong giai đoạn phát triển nên quá trình phục hồi diễn ra nhanh hơn so với người lớn. Để xương liền lại hoàn toàn, trẻ sơ sinh mất khoảng 2 tuần, trẻ em dưới 8 tuổi mất khoảng 3 – 6 tuần, thanh thiếu niên mất khoảng 6 – 8 tuần và người trưởng thành mất khoảng 8 – 12 tuần. [3]Broken Collarbone (Clavicle Fracture): Treatment & Recovery. Truy cập ngày 05/ 09/ 2024.
    https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/16874-broken-collarbone-clavicle-fracture
Không mang vác nặng khi xương đòn chưa lành hoàn toàn. 
Không mang vác nặng khi xương đòn chưa lành hoàn toàn.

Lời khuyên cho người gãy xương đòn nhanh hồi phục

Người bị gãy xương đòn cần chú ý những vấn đề sau:

  • Tuân thủ liệu trình điều trị, tái khám đúng hẹn để kiểm tra quá trình phục hồi của xương đòn và can thiệp kịp thời khi có sai lệch.
  • Không lái xe, mang vác nặng, chơi thể thao va chạm mạnh khi xương chưa lành hoàn toàn.
  • Nằm nghiêng sang bên không bị thương để giảm áp lực lên vùng xương đòn bị gãy. Có thể sử dụng thêm gối kê ở sau lưng hoặc kẹp gối giữa hai chân để tránh nhức mỏi và cảm thấy thoải mái hơn.
  • Bổ sung thực phẩm giàu canxi và vitamin D hỗ trợ quá trình liền xương. 

Mong rằng bài viết trên giúp bạn giải đáp thắc mắc “Gãy xương đòn bao lâu thì lành?”. Mời bạn truy cập website menacal.vn để biết thêm nhiều thông tin hữu ích liên quan đến sức khỏe. Nếu có bất kỳ câu hỏi nào chưa được giải đáp, bạn có thể liên hệ tới hotline 1900 636 985 để nhận được tư vấn từ các chuyên gia.

References

References
1 Broken collarbone – Symptoms and causes. Truy cập ngày 05/ 09/ 2024.
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/broken-collarbone/symptoms-causes/syc-20370311
2 Clavicle Fracture (Broken Collarbone) – OrthoInfo – AAOS. Truy cập ngày 05/ 09/ 2024.
https://orthoinfo.aaos.org/en/diseases–conditions/clavicle-fracture-broken-collarbone/
3 Broken Collarbone (Clavicle Fracture): Treatment & Recovery. Truy cập ngày 05/ 09/ 2024.
https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/16874-broken-collarbone-clavicle-fracture