11 dấu hiệu tiền sản giật mẹ không nên bỏ qua

04/08/2024 64 lượt xem

Tiền sản giật là một biến chứng sản khoa nguy hiểm đối với cả mẹ bầu và thai nhi. Do đó việc nhận biết và điều trị tiền sản giật từ sớm là rất cần thiết. Trong bài viết này, Menacal sẽ chỉ ra 11 dấu hiệu tiền sản giật điển hình mà mẹ bầu không nên bỏ qua.

Nguyên nhân gây tiền sản giật

Tiền sản giật  là tình trạng huyết áp cao khởi phát trong thời kỳ mang thai, kèm theo đó là  sự xuất hiện của protein trong nước tiểu. Nguyên nhân gây ra tiền sản giật đến nay vẫn chưa được làm rõ. Nhiều chuyên gia cho rằng, tiền sản giật xảy ra do sự bất thường của nhau thai. Điều này có thể là do thiếu máu đến tử cung hoặc vấn đề về miễn dịch. [1]Preeclampsia. Truy cập ngày 01/08/2024.
https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17952-preeclampsia

Đa số phụ nữ bị tiền sản giật sẽ sinh con khỏe mạnh và hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, một số ít trường hợp tiền sản giật phát triển thành các biến chứng nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng của cả mẹ và thai nhi. Sự tiến triển từ tình trạng tiền sản giật đến sản giật có thể diễn ra rất nhanh.

Theo thống kê, tỷ lệ phụ nữ bị tiền sản giật ở Mỹ đã tăng 25% trong hai thập kỷ qua và là nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh.

11 dấu hiệu tiền sản giật điển hình

Triệu chứng tiền sản giật điển hình nhất là tăng huyết áp, bên cạnh đó các bác sĩ sẽ chẩn đoán tiền sản giật dựa trên nhiều dấu hiệu khác như:

Dấu hiệu tiền sản giật – Tăng huyết áp

Tăng huyết áp thai kỳ là một trong những dấu hiệu đầu tiên, có giá trị chẩn đoán và tiên lượng sớm nhất của tiền sản giật. Huyết áp được coi là cao nếu huyết áp tối đa >=140mmHg và hoặc huyết áp tối thiểu >=90mmHg (được đo vào 2 thời điểm riêng biệt cách nhau ít nhất 4 giờ) xảy ra từ tuần thứ 20 và huyết áp trước đó bình thường .

Vậy mẹ bầu nên làm gì? Cách tốt nhất là theo dõi huyết áp của bản thân trong mỗi lần khám thai bằng cách hỏi bác sĩ và ghi lại nhật ký huyết áp. Hay thông báo ngay cho bác sĩ nếu mẹ nhận thấy có sự tăng huyết áp đáng kể giữa các lần khám.

Bên cạnh đó, mẹ cũng có thể tự chủ động đo và theo dõi huyết áp tại nhà bằng các máy đo huyết áp cá nhân. Cần lưu ý rằng, các kết quả đo được bằng máy này không phải lúc nào cũng chính xác và cũng không có giá trị chẩn đoán hay điều trị. [2]Preeclampsia. Truy cập ngày 1/8/2024.
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/preeclampsia/symptoms-causes/syc-20355745

Tăng huyết áp là dấu hiệu tiền sản giật điển hình
Tăng huyết áp là dấu hiệu tiền sản giật điển hình

Xuất hiện Protein trong nước tiểu

Protein trong nước tiểu, hay protein niệu là một đặc điểm chẩn đoán tiền sản giật. Tuy nhiên không phải trường hợp tiền sản giật nào cũng có protein niệu. Tiền sản giật vẫn có thể được chẩn đoán mà không có protein niệu nếu có các dấu hiệu tổn thương cơ quan đích mới khởi phát bao gồm: tiểu cầu thấp, men gan cao, tụ dịch phổi, đau đầu hoặc giảm thị lực)

Thông thường, protein sẽ không có mặt trong nước tiểu nhờ chức năng lọc của thận. Tiền sản giật có thể làm hỏng “bộ lọc” này và khiến protein xuất hiện trong nước tiểu. Đa số bệnh nhân bị rối loạn chức năng thận do tiền sản giật sẽ trở lại bình thường trong vòng vài tháng sau khi sinh. Một số trường hợp nặng sẽ cần theo dõi và điều trị lâu hơn.

Protein niệu được chẩn đoán khi có ít nhất 300 mg protein/24 giờ. Ngoài ra, một cách khác để chẩn đoán protein niệu là tỷ lệ protein/creatinine >= 0,3 hoặc đọc que 2+. Phép thử que định tính chỉ được sử dụng trong trường hợp các phương pháp định lượng khác không có sẵn.

Đọc thêm: Tất tần tật những điều mẹ cần biết về xét nghiệm tiền sản giật

Protein niệu là một đặc điểm chẩn đoán tiền sản giật
Protein niệu là một đặc điểm chẩn đoán tiền sản giật

Tay, chân, mặt bị phù nề

Sưng (phù nề) là một hiện tượng thường thấy khi mang thai. Tuy nhiên, nếu hiện tượng phù nề xảy ra ở mặt, quanh mắt hoặc tay thì nó là một dấu hiệu tiền sản giật cần được quan tâm.

Đặc biệt, mẹ nên đi khám ngay lập tức nếu có hiện tượng “phù nề lõm” (khi ấn ngón tay cái vào da, vết lõm vẫn còn trong vài giây) hoặc chân bị đổi màu. Để giảm bớt hiện tượng phù nề khi mang thai, mẹ có thể kê chân cao khi ngủ và tránh ngồi trong thời gian dài.

Đau đầu không rõ nguyên nhân

Một dấu hiệu tiền sản giật khác là đau đầu âm ỉ hoặc dữ dội, đau nhói mà không rõ nguyên nhân. Mẹ nên đi khám ngay nếu cơn đau đầu không giảm sau khi dùng thuốc, hoặc cơn đau đầu dữ dội kèm với sự thay đổi về thị lực.

Đau đầu âm ỉ hoặc dữ dội không rõ nguyên nhân
Đau đầu âm ỉ hoặc dữ dội không rõ nguyên nhân

Buồn nôn hoặc nôn

Thông thường, mẹ sẽ có hiện tượng buồn nôn hoặc nôn do ốm nghén trong tam cá nguyệt đầu tiên. Tuy nhiên, nếu hiện tượng buồn nôn và nôn xuất hiện đột ngột ở giữa thai kỳ thì đây rất có thể là một dấu hiệu tiền sản giật.

Bên cạnh đó, buồn nôn hoặc nôn còn có thể bị nhầm lẫn với bệnh cúm hoặc các vấn đề về túi mật. Do đó, mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc đo huyết áp và kiểm tra protein niệu để chẩn đoán tiền sản giật một cách chính xác nhất. [3]Preeclampsia. Truy cập ngày 1/8/2024.
https://www.marchofdimes.org/find-support/topics/pregnancy/preeclampsia

Buồn nôn hoặc nôn xuất hiện giữa thai kỳ
Buồn nôn hoặc nôn xuất hiện giữa thai kỳ

Đau thượng vị/đau vai/đau lưng

Mẹ có thể cảm thấy bị đau thượng vị hoặc đau góc phần tư trên bên phải (thường ở dưới xương sườn bên phải). Dấu hiệu này có thể bị nhầm lẫn với chứng ợ nóng, các vấn đề về túi mật, cúm, chứng khó tiêu hoặc đau do em bé đạp.

Đau vai còn được gọi là “đau liên quan” vì cơn đau lan tỏa từ gan dưới xương sườn bên phải. Cơn đau được mô tả như “Có ai đó đang véo sâu vào người dọc theo dây áo ngực hoặc trên cổ” hoặc có thể đau khi nằm nghiêng bên phải. Tất cả các triệu chứng đau này có thể là dấu hiệu của Hội chứng HELLP (biến chứng của tiền sản giật) hoặc một bệnh lý về gan.

Đau lưng dưới

Đau lưng dưới là vấn đề mà rất nhiều mẹ bầu gặp phải khi mang thai. Tuy nhiên, đau lưng dưới đôi khi cũng là một dấu hiệu cảnh báo vấn đề về gan, đặc biệt là nếu nó đi kèm với các triệu chứng khác của tiền sản giật.

Do đó, nếu mẹ có tình trạng đau lưng dưới kèm với đau dạ dày và vai phải, hãy liên hệ và hỏi ý kiến bác sĩ. Trường hợp đau lưng dưới có kèm với các triệu chứng khác của tiền sản giật, mẹ nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Đau vai/lưng dưới cảnh báo hội chứng HELLP
Đau vai/lưng dưới cảnh báo hội chứng HELLP

Tăng cân đột ngôt

Tăng từ 1.3 – 2.3 kg trong một tuần có thể là dấu hiệu của tiền sản giật. Nguyên nhân là do các mạch máu bị tổn thương khiến nước tụ lại trong mô của cơ thể và không được bài tiết qua thận.

Mặc dù vậy, mẹ cũng không nên cố gắng giảm cân trong thời gian mang thai bằng cách hạn chế ăn uống. Một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng, ít muối và bao gồm các loại rau củ, trái cây, vitamin tổng hợp, axit folic sẽ giúp mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh nhất.

Bên cạnh đó, mẹ nên uống đủ nước và tập thể dục thường xuyên trong suốt thai kỳ. Đặc biệt, mẹ không nên cố che giấu việc tăng cân bằng cách bỏ bữa sáng, sử dụng thuốc giảm cân hoặc nhịn ăn trong ngày trong các lần khám thai. Bởi cân nặng chính xác là yếu tố quan trọng để bác sĩ chẩn đoán đúng tình trạng sức khỏe của mẹ.

Đọc thêm: 8 Bí Quyết Phòng Ngừa Tiền Sản Giật Mẹ Bầu Cần Biết

Tăng cân đột ngột do tích nước trong mô
Tăng cân đột ngột do tích nước trong mô

Các vấn đề về thị lực

Thay đổi thị lực là một trong những triệu chứng nghiêm trọng nhất của tiền sản giật. Điều này có thể là do kích ứng hệ thần kinh trung ương hoặc là dấu hiệu của tình trạng sưng não (phù não).

Những thay đổi về thị lực thường gặp bao gồm cảm giác nhìn thấy ánh sáng nhấp nháy, có quầng sáng, nhạy cảm với ánh sáng, nhìn mờ hoặc thấy đốm.

Tăng phản xạ

Tăng phản xạ thường là do phản ứng thái quá của hệ thần kinh không tự chủ với sự kích thích. Ở nhiều trường hợp tiền sản giật, phản xạ gân sâu tăng lên trước khi lên cơn động kinh. Tuy nhiên các cơn động kinh cũng có thể xảy ra mà không kèm theo phản xạ tăng cao.

Tăng phản xạ là một dấu hiệu tiền sản giật khó tự quan sát mà chỉ được phát hiện bằng các bài kiểm tra của nhân viên y tế. Cũng giống như đau đầu và thay đổi thị giác, tăng phản xạ có thể là dấu hiệu cảnh báo những thay đổi trong hệ thần kinh. Do đó mẹ sẽ cần được khám chuyên sâu hơn để xác định được liệu tăng phản xạ có phải là dấu hiệu cảnh báo tiền sản giật hay không.

Khó thở, lo lắng

Khó thở, mạch đập nhanh, lú lẫn, cảm giác lo lắng tăng cao có thể là triệu chứng của tiền sản giật. Nếu những triệu chứng này mới xuất hiện, chúng có thể chỉ ra tình trạng huyết áp cao hoặc hiếm gặp hơn là tình trạng tích tụ dịch trong phổi (phù phổi).

Trên đây Menacal đã chỉ ra cho mẹ 11 dấu hiệu tiền sản giật điển hình. Hy vọng qua bài viết này mẹ sẽ hiểu rõ hơn về tiền sản giật cũng như biết cách phát hiện tiền sản giật kịp thời nhất. Nếu mẹ có bất kỳ thắc mắc nào, hãy liên hệ tới số hotline 1900.636.985 để được giải đáp nhé.