Tật cong vẹo cột sống là một vấn đề sức khỏe thường bị xem nhẹ. Nhiều người cho rằng tình trạng này chỉ ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ, nhưng không hề biết nó còn đe dọa chức năng của nhiều cơ quan trong cơ thể như tim, phổi. Cùng Menacal tìm hiểu chi tiết nguyên nhân, biểu hiện và cách phòng ngừa tật cong vẹo cột sống để bảo vệ sức khỏe của bạn và người thân từ ngay hôm nay.
Tật cong vẹo cột sống là gì? Nguyên nhân
Trong các bệnh lý liên quan đến cột sống, tật cong vẹo cột sống là nguy hiểm nhất và ảnh hưởng đến 0.5 – 1% dân số ở Việt Nam. Cùng tìm hiểu khái niệm và nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này ngay dưới đây nhé!
Tật cong vẹo cột sống là gì?
Cột sống bao gồm 33 đốt sống được kết nối với nhau bằng hệ thống các khớp, dây chằng, đĩa đệm sụn phức tạp và chắc chắn, kéo dài từ đáy hộp sọ đến đỉnh xương cụt. Tác dụng chính của cột sống là nâng đỡ cơ thể, bảo vệ tủy sống, hỗ trợ các hoạt động như uốn cong, xoay người…
Điểm đặc biệt của loại xương này là có 3 đường cong tự nhiên ở cổ, ngực và lưng dưới tạo thành hình chữ S. Độ cong này giúp hấp thụ lực tác động của bước chân khi đi lại, chạy nhảy, tránh ảnh hưởng xấu đến các cơ quan bên trong. [1] The Spine: Anatomy and Function. Truy cập ngày 24/ 10/ 2024.
https://spinehealth.org/article/spine-anatomy/
Tật vẹo cột sống là tình trạng cột sống bị cong bất thường dưới dạng chữ “C” hoặc “S” ở bất kỳ đoạn nào, nhưng phổ biến biến nhất là vùng ngực và thắt lưng. Tình trạng này có thể xuất hiện ở trẻ sơ sinh, thời thơ ấu, thanh thiếu niên và thậm chí là người trưởng thành, nhưng phát triển nhanh chóng nhất trong tuổi dậy thì.
Phân loại cong vẹo cột sống theo nguyên nhân
Tật cong vẹo cột sống thường được chia thành 2 loại như sau:
- Cong vẹo cột sống cấu trúc: Trường hợp này xảy ra do những thay đổi vĩnh viễn về mặt cấu trúc của cột sống bao gồm:
- Vẹo cột sống vô căn: Chưa xác định được nguyên nhân, yếu tố nguy cơ cao nhất là do di truyền. Chủ yếu xuất hiện ở thanh thiếu niên, và có thể sớm hơn ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ.
- Vẹo cột sống thoái hóa: Cột sống bị thoái hóa và suy giảm chức năng theo thời gian, thường xảy ra ở người trưởng thành.
- Vẹo cột sống thần kinh cơ: Vẹo cột sống là triệu chứng toàn thân khi hệ thần kinh và/ hoặc hệ cơ bị ảnh hưởng như: bại não, u xơ thần kinh, loạn dưỡng cơ, liệt.
- Vẹo cột sống bẩm sinh: Trẻ sinh ra đã bị vẹo cột sống, chủ yếu do dị tật ống thần kinh.
- Cong vẹo cột sống không cấu trúc: Cột sống không bị thay đổi vĩnh viễn về mặt cấu trúc, chỉ bị cong vẹo tạm thời sang một bên. Nguyên nhân bao gồm:
- Co thắt cơ: Co thắt cơ xảy ra do hoạt động thể chất quá sức, hoạt động sai tư thế, chấn thương, thiếu máu cục bộ, mất nước và điện giải… Lúc này, các cơ lớn vùng lưng bị co thắt và kéo cột sống về một hướng, tạo thành đường cong bất thường.
- Viêm: Viêm ở một số vùng xung quanh cột sống như: viêm phổi, viêm ruột thừa… có thể làm ảnh hưởng đến tư thế gây cong vẹo cột sống.
- Độ dài 2 chân không đồng đều: Hai chân có sự chênh lệch tạo áp lực không đều lên cột sống khi đứng và di chuyển, từ đó làm xuất hiện đường cong bất thường.
Các yếu tố nguy cơ làm tăng tỷ lệ bị cong vẹo cột sống
Tật cong vẹo cột sống có nguy cơ xuất hiện cao trong các trường hợp sau: [2] Scoliosis – Symptoms and causes – Mayo Clinic.Truy cập ngày 24/ 10/ 2024.
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/scoliosis/symptoms-causes/syc-20350716
- Giới tính: Tỷ lệ nữ giới mắc tật cong vẹo cột sống cao hơn nam giới.
- Tuổi tác: Triệu chứng thường bắt đầu xuất hiện ở tuổi thiếu niên. Do đây là thời điểm phát triển chiều cao và cân nặng nhanh chóng, kèm theo việc thực hiện sai các tư thế khi ngồi học và hoạt động thể thao khiến cột sống mất cân bằng.
- Di truyền: Khả năng mắc bệnh cao hơn nếu có người thân trong gia đình bị cong vẹo cột sống.
Biểu hiện của tật cong vẹo cột sống
Một số dấu hiệu thường gặp ở người bị bệnh cong vẹo cột sống là: [3] Scoliosis > Fact Sheets > Yale Medicine. Truy cập ngày 24/ 10/ 2024.
https://www.yalemedicine.org/conditions/scoliosisScoliosis > Fact Sheets > Yale Medicine
- Hai bên vai và/ hoặc hông cao không đều nhau.
- Xương bả vai nhô ra bất thường.
- Lồng ngực một bên nhô ra nhiều hơn, nhìn thấy rõ khi cúi xuống.
- Đầu bị lệch sang một bên so với vị trí trung tâm của xương chậu.
- Chiều dài chân không đều nhau.
- Đau lưng, khó đứng thẳng, đau chân kèm tê nhức, ngứa ngáy.
Tác hại và biến chứng của tật cong vẹo cột sống
- Ảnh hưởng đến ngoại hình: Tật cong vẹo cột sống khiến ngoại hình có nhiều thay đổi như: vai lệch, lưng gù, cổ rụt, đi khập khiễng, bụng trông như nhô ra phía trước, cánh tay không cân đối…Những biến dạng này cản trở quá trình phát triển chiều cao của trẻ em và thanh thiếu niên, gây rối loạn tư thế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý người bệnh, có thể dẫn đến trầm cảm.
- Ảnh hưởng đến hô hấp: Bệnh cong vẹo cột sống có thể khiến lồng ngực biến dạng. Điều này làm giảm thể tích phổi, chèn ép phế quản, hạn chế cử động của cơ hoành, thu hẹp đường thở… Từ đó, chức năng của phổi bị suy giảm dẫn đến khó thở và suy hô hấp. [4]Scoliosis | NHS inform. Truy cập ngày 24/ 10/ … Continue reading
- Ảnh hưởng đến thần kinh: Các đốt sống bị lệch khỏi vị trí ban đầu có khả năng chèn ép dây thần kinh xung quanh, dẫn đến một loạt các triệu chứng như: đau nhức, ngứa ran, tê bì, rối loạn cảm giác, xuất hiện chủ yếu ở vùng lưng, vai, tay và chân. Nếu tác động lên các dây thần kinh điều khiển cơ quan nội tạng, người bệnh phải đối diện với nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như: rối loạn tiêu hóa, rối loạn đại tiểu tiện, rối loạn nhịp tim.
- Ảnh hưởng đến tim mạch: Cột sống cong vẹo khiến xương sườn bị biến dạng nghiêm trọng, thu hẹp không gian hoạt động của tim, buộc tim phải đập nhiều hơn bình thường. Đây có thể là nguyên nhân dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như sa van hai lá làm giảm lưu lượng máu, tăng huyết áp, thậm chí là suy tim.
- Ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản: Cột sống cong bất thường tạo áp lực lên vùng xương chậu, phá hủy mối liên kết giữa các cơ quan sinh sản, giảm lưu lượng máu và cản trở khả năng thụ thai. Đối với phụ nữ đang mang thai, bệnh cong vẹo cột sống còn khiến bé nằm lệch vị trí và gặp nhiều khó khăn trong quá trình sinh nở.
Các biện pháp chẩn đoán tật cong vẹo cột sống
Bước đầu tiên trong quá trình chẩn đoán là sàng lọc bệnh bằng cách kiểm tra tư thế, sự liên kết và độ cong của cột sống khi đứng thẳng, cúi người về phía trước sao cho tay chạm ngón chân. Bệnh nhân cần cung cấp thêm những thông tin về tiền sử sức khỏe của gia đình, các triệu chứng gặp phải.
Sau đó, bác sĩ yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm hình ảnh như chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp vi tính (CT) để có kết quả chi tiết về độ lệch của cột sống so với vị trí bình thường. Từ đó, đánh giá được mức độ nghiêm trọng của bệnh như sau: [5] Scoliosis: What It Is, Types, Causes, Symptoms & Treatment & Types.Truy cập ngày 24/ 10/ 2024.
https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/15837-scoliosis
- Không có chẩn đoán cong vẹo cột sống: Góc lệch dưới 10 độ.
- Vẹo cột sống nhẹ: Góc lệch từ 10 đến 24 độ.
- Vẹo cột sống vừa: Góc lệch từ 25 đến 39 độ.
- Vẹo cột sống nặng: Góc lệch trên 40 độ.
Điều trị tật cong vẹo cột sống như thế nào?
- Điều trị bảo tồn: Đối với tật cong vẹo cột sống mức độ nhẹ, chưa ảnh hưởng đến dây thần kinh và các cơ quan xung quanh, điều trị bảo tồn được khuyến khích áp dụng như sau:
- Cải thiện tư thế: Tham khảo ý kiến chuyên gia để học cách điều chỉnh tư thế khi đứng, ngồi và ngủ ngăn ngừa các đốt sống xê lệch nhiều hơn.
- Kiểm tra mật độ xương: Đây là cách giúp xác định xương có đủ chắc khỏe hay không. Nếu có nguy cơ loãng xương và gãy xương cột sống, bác sĩ sẽ yêu cầu sử dụng một số loại thuốc làm chậm quá trình mất xương.
- Vật lý trị liệu: Thực hiện các bài tập đúng kỹ thuật và cường độ giúp tăng cường sức mạnh của cơ ở vùng lưng, chân và bụng, đồng thời cải thiện tính linh hoạt của cột sống.
- Sử dụng thuốc giảm đau: Một số loại thuốc giảm đau thường được dùng cho người bị cong vẹo cột sống như: acetaminophen, thuốc giảm đau chống viêm không steroid NSAIDS, tiêm steroid ngoài màng cứng… Người bệnh cần dùng đúng thời điểm và liều lượng, không tự ý uống thêm thuốc hoặc ngừng thuốc đột ngột để tránh tác dụng phụ nguy hiểm có thể xảy ra.
- Sử dụng nẹp cột sống: Đeo nẹp trong khoảng 13 – 16 giờ mỗi ngày giúp cố định cột sống và ngăn ngừa tình trạng cong vẹo trở nên tồi tệ hơn.
- Phẫu thuật: Bác sĩ yêu cầu phẫu thuật trong trường hợp mắc bệnh vẹo cột sống nghiêm trọng ảnh hưởng đến các cơ quan khác hoặc không đáp ứng với phương pháp điều trị bảo tồn.
Có nhiều hình thức phẫu thuật khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi và tình trạng sức khỏe của từng bệnh nhân như: cắt bỏ đốt sống, hợp nhất cột sống, sử dụng thanh điều chỉnh, cắt xương chỉnh hình…
Phòng ngừa cong vẹo cột sống như thế nào?
Để ngăn ngừa tật cong vẹo cột sống, bạn lưu ý những vấn đề sau:
- Hoạt động đúng tư thế: Luôn giữ lưng thẳng, vai ngang và đầu không cúi xuống khi đi, đứng hoặc ngồi, không đưa cổ ra phía trước, không gù lưng hoặc võng lưng.
- Tập thể dục đều đặn: Tập thể dục đúng cách với cường độ vừa phải để tăng cường sức mạnh cơ bắp giúp nâng đỡ cột sống tốt hơn.
- Mang vác hợp lý: Hạn chế mang vác nặng hoặc mang vác không cân bằng. Nên nhờ người giúp đỡ hoặc sử dụng dụng cụ hỗ trợ trong quá trình mang vác.
- Cải thiện chế độ ăn uống: Bổ sung thêm thực phẩm giàu canxi và vitamin D vào bữa ăn mỗi ngày để cải thiện chất lượng xương.
Một số câu hỏi thường gặp về tật cong vẹo cột sống
Tật cong vẹo cột sống là mối lo ngại của nhiều người, đặc biệt là ở độ tuổi đang phát triển và hoàn thiện cấu trúc xương. Dưới đây là một số câu hỏi liên quan đến căn bệnh này:
Phẫu thuật cong vẹo cột sống có rủi ro gì không?
Phẫu thuật cong vẹo cột sống là một phẫu thuật vô cùng phức tạp và có thể dẫn đến nhiều rủi ro như:
- Chảy máu: Người bệnh cần truyền máu trong trường hợp nghiêm trọng.
- Nhiễm trùng: Phải điều trị bằng kháng sinh.
- Các mảng cấy ghép không hợp nhất đúng cách hoặc bị di chuyển xô lệch: Cần phẫu thuật bổ sung để khắc phục.
- Tổn thương dây thần kinh: Có thể dẫn đến tê liệt chân vĩnh viễn, mất kiểm soát ruột và bàng quang.
Bệnh vẹo cột sống có thể tự khỏi mà không cần điều trị không?
Bệnh cong vẹo cột sống không thể tự khỏi. Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào cũng cần điều trị. Chỉ khoảng 5% trẻ em và thanh thiếu niên mắc bệnh phải tiến hành nẹp hoặc phẫu thuật. [6]Scoliosis Treatment Options for Kids and Adults | HSS. Truy cập ngày 24/ 10/ 2024/.
https://www.hss.edu/condition-list_scoliosis.asp
Triển vọng của bệnh vẹo cột sống thế nào?
- Cong vẹo cột sống mức độ nhẹ thường không gây ra vấn đề lớn và không cần điều trị. Trong trường hợp mắc bệnh nặng cần can thiệp y tế.
- Bệnh chủ yếu phát triển trong giai đoạn tăng trưởng ở trẻ em và thanh thiếu niên. Phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo bệnh giúp việc điều trị hiệu quả hơn.
- Triển vọng của người bị cong vẹo cột sống thần kinh cơ hoặc bẩm sinh là khác nhau. Họ có thể kèm theo một chứng rối loạn nghiêm trọng khác như bại não hoặc loạn dưỡng cơ. Vì vậy, mục tiêu điều trị được điều chỉnh theo từng trường hợp cụ thể. Thông thường, mục tiêu của phẫu thuật chỉ đơn giản là giúp trẻ đi lại bình thường hơn hoặc ngồi thẳng trên xe lăn.
- Vẹo cột sống bẩm sinh rất khó điều trị và có thể phải phẫu thuật nhiều lần.
Mong rằng bài viết trên đã cung cấp thông tin chi tiết về nguyên nhân, dấu hiệu cảnh báo, tác hại và các phương pháp điều trị tật cong vẹo cột sống. Mời bạn truy cập website menacal.vn để biết thêm nhiều thông tin hữu ích liên quan đến sức khỏe. Nếu có bất kỳ câu hỏi nào chưa được giải đáp, bạn có thể liên hệ tới hotline 1900 636 985 để nhận được tư vấn từ các chuyên gia.
References
↑1 | The Spine: Anatomy and Function. Truy cập ngày 24/ 10/ 2024. https://spinehealth.org/article/spine-anatomy/ |
---|---|
↑2 | Scoliosis – Symptoms and causes – Mayo Clinic.Truy cập ngày 24/ 10/ 2024. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/scoliosis/symptoms-causes/syc-20350716 |
↑3 | Scoliosis > Fact Sheets > Yale Medicine. Truy cập ngày 24/ 10/ 2024. https://www.yalemedicine.org/conditions/scoliosisScoliosis > Fact Sheets > Yale Medicine |
↑4 | Scoliosis | NHS inform. Truy cập ngày 24/ 10/ 2024. https://www.nhsinform.scot/illnesses-and-conditions/muscle-bone-and-joints/neck-and-back-problems-and-conditions/scoliosis/#possible-complications-of-scoliosis |
↑5 | Scoliosis: What It Is, Types, Causes, Symptoms & Treatment & Types.Truy cập ngày 24/ 10/ 2024. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/15837-scoliosis |
↑6 | Scoliosis Treatment Options for Kids and Adults | HSS. Truy cập ngày 24/ 10/ 2024/. https://www.hss.edu/condition-list_scoliosis.asp |