Gãy xương sườn số 5 6 7

Giải đáp: Gãy xương sườn số 5 6 7 có nguy hiểm không?

09/09/2024 25 lượt xem

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương mà gãy xương sườn số 5 6 7 có thể gây nguy hiểm hoặc không. Hãy cùng tìm hiểu về chủ đề này qua bài viết dưới đây!

Gãy xương sườn là gì? Vị trí của xương sườn 5 6 7

Xương sườn là những xương dài và cong tạo thành lồng ngực, bảo vệ các cơ quan nội tạng quan trọng như tim và phổi. Các xương sườn từ trên xuống dưới có sự khác nhau về hình dạng, độ dày và bất kỳ xương sườn nào cũng có thể bị gãy.

Gãy xương sườn là một trong những chấn thương thành ngực phổ biến nhất. Chấn thương này thường do một cú đánh trực tiếp hoặc ngã dẫn đến bầm tím cơ thành ngực, gây nứt hoặc gãy xương. Trường hợp xương sườn chỉ bị nứt sẽ gây đau nhưng không gây nguy hiểm. Tuy nhiên nếu xương sườn bị gãy thì cần phải kiểm tra và điều trị kịp thời để tránh gây tổn thương đến cơ quan nội tạng. 

Cơ thể chúng ta về cơ bản có 12 xương sườn, nằm ở hai bên phần lưng trên và ngực và đều bắt nguồn từ cột sống. Từ trên xuống dưới, 7 xương sườn đầu tiên liên kết với xương ức ở phía trước ngực nên được gọi là “xương sườn thật”, 3 xương tiếp theo (8,9,10) kết nối với các xương sườn ở trên thông qua mô sụn hay còn gọi là “xương sườn giả”. Xương sườn thứ 11 và 12 không liên kết ở phía trước cơ thể mà chỉ liên kết với cột sống, còn có tên gọi khác là “xương sườn cụt”.

12 xương sườn trên cơ thể con người
12 xương sườn trên cơ thể con người

Như vậy, xương sườn 5,6,7 là các xương sườn thật nằm ở giữa lồng ngực, gắn trực tiếp với xương ức bằng sụn sườn. [1]Rib Injury – Truy cập ngày 28/08/2024.
https://www.ribinjuryclinic.com/conditions/rib-injury/

Gãy xương sườn số 5 6 7 có nguy hiểm không?

Chấn thương xương sườn có thể thay đổi từ chấn thương mức độ nhẹ kèm theo đau và bầm tím cho đến chấn thương nghiêm trọng, gãy nhiều xương sườn kèm theo tổn thương bên trong.

Gãy xương sườn số 5 6 7 đơn thuần sẽ không gây nguy hiểm nếu không xuất hiện tình trạng khó thở, tràn máu hoặc tràn khí màng phổi và không kèm theo dập phổi. Bệnh nhân chỉ cần nghỉ ngơi đúng cách, uống thuốc giảm sưng và giảm đau, tập vật lý trị liệu theo hướng dẫn của chuyên gia. Sau khoảng thời gian 1,5 – 2 tháng xương sẽ tự lành mà không cần phải băng bó hay mổ bắt nẹp. 

Nhưng đối với chấn thương nghiêm trọng, các cạnh của xương sườn bị di lệch tạo ra các mảng sườn di động thì sẽ gây nguy hiểm. Khi có từ 3 xương sườn trở lên bị gãy ở cả hai đầu, một phần của lồng ngực sẽ tách rời và làm cấu trúc lồng ngực bị di lệch đi. 

Cụ thể khi hít vào, thay vì cùng với các xương sườn khác nở ra để tạo không gian cho phổi, phần bị gãy này lại có xu hướng lõm vào trong, gây cản trở quá trình hô hấp. Và khi thở ra, phần này lại có xu hướng lồi ra ngoài, làm giảm hiệu quả của quá trình thở ra. Tình trạng này có thể gây ra nhiều nguy hiểm cho sức khỏe như: 

  • Khó thở nghiêm trọng: Chuyển động ngược chiều của mảng sườn làm giảm hiệu quả hô hấp, khiến người bệnh khó thở, thậm chí suy hô hấp.
  • Đau đớn dữ dội: Mỗi lần hít vào thở ra, mảng sườn di động cọ xát vào các mô xung quanh gây đau đớn dữ dội.
  • Tăng nguy cơ nhiễm trùng: Vết thương hở do gãy xương có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, gây nhiễm trùng.
  • Thủng phổi: các đầu xương gãy có thể đâm vào làm rách phổi, gây tràn khí hoặc máu màng phổi liên tục, tạo áp lực lên nhu mô phổi lành và các tĩnh mạch trong ngực từ đó giảm trao đổi oxy nghiêm trọng. [2]Do I have a Broken Rib? – Truy cập ngày 30/08/2024
    https://www.webmd.com/a-to-z-guides/do-i-have-a-broken-rib

Nguyên nhân gây gãy xương sườn 5 6 7

Gãy xương sườn số 5 6 7 thường xảy ra do các tác động mạnh lên vùng ngực. Một số nguyên nhân phổ biến có thể kể đến như: 

  • Tai nạn giao thông: Va chạm mạnh vào vô lăng, ngực đập vào các vật cứng trong xe.
  • Ngã từ độ cao: Đập mạnh ngực xuống đất hoặc vật cứng.
  • Chấn thương thể thao: Va chạm mạnh trong các môn thể thao như bóng đá, bóng rổ, khúc côn cầu…
  • Tai nạn lao động: Bị vật nặng đè lên ngực, va chạm với máy móc.
  • Ho dữ dội và kéo dài: Ở người cao tuổi hoặc người có bệnh lý nền về phổi, ho dữ dội có thể gây áp lực lên xương sườn, dẫn đến nứt hoặc gãy.
  • Loãng xương: Xương trở nên giòn và dễ gãy hơn, chỉ cần một lực tác động nhỏ cũng có thể gây gãy xương sườn.
  • Ung thư di căn: Các tế bào ung thư di căn đến xương sườn, làm suy yếu cấu trúc xương và dễ gây gãy.
Có nhiều nguyên nhân gây gãy xương sườn
Có nhiều nguyên nhân gây gãy xương sườn

Điều trị gãy xương sườn 5 6 7

Gãy xương sườn không giống với các loại gãy xương khác, việc nẹp cố định và bó bột có tác dụng rất hạn chế vì lồng ngực có cấu trúc khá phức tạp, bao gồm nhiều xương sườn kết nối với xương ức và cột sống. Đồng thời nẹp cố định có thể gây khó thở và tăng nguy cơ viêm phổi, các vấn đề về da, giảm lưu thông máu và gây khó chịu cho người bệnh. [3]How Are Broken Ribs Treated? – Truy cập ngày 30/08/2024
https://www.healthline.com/health/treatment-for-broken-ribs

Cách điều trị gãy xương sườn sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương. Bất kỳ cơ quan nào ngoài xương sườn bị tổn thương cũng cần phải được điều trị. Các phương pháp điều trị chính bao gồm dùng thuốc, vật lý trị liệu và phẫu thuật. 

Điều trị bằng thuốc

Các nhóm thuốc sau đây được sử dụng phổ biến trong điều trị gãy xương sườn: 

  • Giảm đau: paracetamol là thuốc giảm đau rất phổ biến.
  • Thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAIDs): aspirin giúp giảm đau, viêm và sưng.
  • Thuốc giảm ho: Giảm áp lực lên xương sườn khi ho.

Vật lý trị liệu

Các phương pháp vật lý trị liệu bao gồm: 

  • Bài tập thở sâu: Tăng thông khí phổi, ngăn ngừa viêm phổi.
  • Bài tập tăng cường cơ hô hấp: Cải thiện chức năng hô hấp.
  • Kỹ thuật giảm đau: Chườm đá, xoa bóp, nhiệt trị.

Phẫu thuật

Phẫu thuật trong chấn thương gãy xương sườn chỉ được sử dụng trong các trường hợp sau đây: [4]Rib Fracture – Truy cập ngày 30/08/2024
https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17434-rib-fracture-broken-rib

  • Xương gãy bị di lệch nhiều, gây tổn thương lên các cơ quan nội tạng.
  • Mảng sườn di động.
  • Đau dữ dội không đáp ứng với điều trị nội khoa.
  • Biến chứng nghiêm trọng.
Phẫu thuật gãy xương sườn chỉ được thực hiện khi thật sự cần thiết
Phẫu thuật gãy xương sườn chỉ được thực hiện khi thật sự cần thiết

Tỷ lệ thương tật khi gãy xương sườn số 5 6 7 

Tỷ lệ thương tật khi gãy xương sườn số 5 6 7 là một vấn đề khá phức tạp và phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Việc xác định một con số cụ thể là rất khó, bởi vì mỗi trường hợp sẽ có những đặc điểm riêng.

Một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ thương tật khi gãy xương sườn số 5 6 7 như:

  • Mức độ nghiêm trọng của vết gãy: Gãy đơn thuần, gãy phức tạp, có di lệch hay không sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thời gian hồi phục và khả năng để lại di chứng.
  • Số lượng xương sườn bị gãy: Gãy nhiều xương sườn sẽ gây ảnh hưởng lớn hơn đến chức năng hô hấp và khả năng hồi phục.
  • Có kèm theo tổn thương nội tạng hay không: Nếu gãy xương gây tổn thương phổi, tim, gan… thì tỷ lệ thương tật sẽ tăng lên đáng kể.
  • Biến chứng: Viêm phổi, nhiễm trùng, đau thần kinh liên sườn… là những biến chứng thường gặp sau gãy xương sườn, làm tăng tỷ lệ thương tật.
  • Ảnh hưởng đến chức năng hô hấp: Khó thở, giảm dung tích sống sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và khả năng lao động.

Pháp luật Việt Nam có quy định về tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể do tổn thương xương sườn trong Thông tư 20/2014/TT-BYT. Tuy nhiên, việc áp dụng quy định này vào từng trường hợp cụ thể cần phải có sự đánh giá của các cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Trên đây là tổng hợp các thông tin xung quanh chủ đề “gãy xương sườn số 5 6 7”. Hy vọng rằng với những thông tin này, người bệnh đã có thể cập nhật thêm thật nhiều kiến thức hữu ích để xử lý và phục hồi nhanh chóng sau chấn thương gãy xương sườn. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, hãy truy cập vào website Menacal.vn hoặc gọi đến số hotline 1900 636 985 để được tư vấn kịp thời nhé!

References

References
1 Rib Injury – Truy cập ngày 28/08/2024.
https://www.ribinjuryclinic.com/conditions/rib-injury/
2 Do I have a Broken Rib? – Truy cập ngày 30/08/2024
https://www.webmd.com/a-to-z-guides/do-i-have-a-broken-rib
3 How Are Broken Ribs Treated? – Truy cập ngày 30/08/2024
https://www.healthline.com/health/treatment-for-broken-ribs
4 Rib Fracture – Truy cập ngày 30/08/2024
https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17434-rib-fracture-broken-rib