Gãy xương đòn là một trong những chấn thương xương phổ biến nhất, đặc biệt đối với người trẻ tuổi. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này? Làm thế nào để nhận biết chính xác và điều trị hiệu quả? Cùng Menacal giải đáp những câu hỏi trên trong bài viết dưới đây nhé!
Gãy xương đòn là gì?
Xương đòn (còn được gọi là xương quai xanh) là một xương dài nằm ngang phía trước và trên của ngực. Đối với người Việt Nam, xương đòn dài trung bình 13.75 cm, chu vi khoảng 3.73 cm. Xương rất rắn chắc, dẹt, cong hình chữ S, có 2 đầu bao gồm:
- Đầu xương phía ngoài nối với mỏm cùng vai bằng dây chằng cùng đòn.
- Đầu xương phía trong nối với xương ức bằng dây chằng ức đòn.
Xương đòn kết hợp với xương sườn có công dụng chính là bảo vệ các cơ quan nội tạng quan trọng như: tim, phổi… và trở thành điểm tựa cho các cơ như: cơ delta, cơ ngực lớn, cơ thang…
Do vị trí đặc biệt, bất kỳ lực mạnh nào tác động lên vai cũng ảnh hưởng đến xương đòn. Đó là lý do vì sao tỷ lệ gãy xương đòn rất cao, chiếm từ 5 – 10% tổng các trường hợp gãy xương. Đặc biệt, tình trạng này xuất hiện phổ biến hơn ở trẻ em (chiếm 10 – 15%) và trẻ sơ sinh trong quá trình sinh nở (chiếm 1 – 2%). [1]Broken Collarbone (Clavicle Fracture). Ngày truy cập:9/9/2024.
https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/16874-broken-collarbone-clavicle-fracture
Gãy xương đòn (còn gọi là gãy xương quai xanh) được phân loại như sau:
- Loại A: Gãy 1/3 giữa của xương, đầu gần thường bị kéo bởi cơ ức đòn chũm và lệch lên trên. Tình trạng này chiếm khoảng 80% tổng trường hợp gãy xương đòn.
- Loại B: Gãy 1/3 ngoài của xương, thường xảy ra do chấn thương trực tiếp. Loại B chiếm khoảng 15% tổng trường hợp gãy xương đòn và được chia thành 3 loại như sau:
- Loại I: Không ảnh hưởng đến khớp, xương không bị lệch, dây chằng quạ đòn không đứt.
- Loại II: Không ảnh hưởng đến khớp, xương bị lệch, đầu xương bị cơ ức đòn chũm kéo di chuyển lên trên, dây chằng quạ đòn đứt.
- Loại III: Gãy trong khớp liên quan đến khớp cùng vai – đòn, làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp.
- Loại C: Gãy 1/3 trong xương, thường xảy ra kèm theo tổn thương khớp ức đòn hoặc chấn thương ngực. Tình trạng này chiếm khoảng 5% tổng trường hợp gãy xương đòn. [2]Clavicle Fractures – Injuries; Poisoning – MSD Manual Professional Edition. Truy cập ngày 04/ 09/ … Continue reading
Những nguyên nhân gãy xương đòn phổ biến
Gãy xương quai xanh có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, phổ biến nhất là:
- Ngã: Chống tay khi ngã theo bản năng tạo áp lực mạnh lên vai và xương đòn. Hoặc va chạm mạnh vào các vật cứng xung quanh như: cạnh bàn, bề mặt bê tông cũng có thể gây ra gãy xương.
- Tai nạn giao thông: Khi ngã xe máy, xe đạp, vùng vai tiếp xúc mạnh với mặt đường khiến các xương xung quanh, bao gồm xương đòn bị tổn thương. Đối với trường hợp lái ô tô, bạn có thể va chạm mạnh vào bảng điều khiển hoặc túi khí bung ra đột ngột gây áp lực lớn lên vai.
- Chấn thương thể thao: Các bộ môn thường xảy ra va chạm mạnh vào vùng xương đòn như: bóng đá, bóng rổ, bóng bầu dục, khúc côn cầu… Ngoài ra, một số môn thể thao đòi hỏi sử dụng thường xuyên động tác xoay, vặn mạnh như: võ thuật, trượt ván, tennis… cũng có thể tác động lực không đều lên vai và phần trên cơ thể, dẫn đến gãy xương đòn.
- Chấn thương khi sinh: Trẻ sơ sinh bị kẹt vai trong khi sinh do kích thước của bé quá lớn so với khung chậu của mẹ, kênh sinh quá hẹp hoặc có dị tật, chuyển dạ kéo dài, co thắt tử cung yếu… dẫn đến gãy xương đòn. [3]Broken collarbone – Symptoms and causes. Truy cập ngày 04/ 09/ 2024.
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/broken-collarbone/symptoms-causes/syc-20370311
Triệu chứng gãy xương đòn
Dưới đây là một số dấu hiệu phổ biến cảnh báo gãy xương đòn cần hết sức lưu ý:
- Đau: Tùy thuộc vào vị trí bị gãy, cơn đau có thể xuất hiện ở vùng vai, giữa xương đòn, lan lên gáy, thậm chí là lan xuống cánh tay. Cơn đau dai dẳng, kéo dài và trở nên nghiêm trọng hơn khi bạn cố gắng cử động vai, nhấc tay hoặc ngay cả khi hít thở sâu.
- Sưng tấy: Sưng tấy, bầm tím, da đổi màu dọc theo xương đòn do tổn thương các mô mềm xung quanh.
- Cử động khó khăn: Khớp vai bị cứng khiến bạn gặp nhiều khó khăn trong các hoạt động hàng ngày như nhấc tay lên, xoay vai. Ngoài ra, bạn có thể nghe thấy tiếng lạo xạo khi cố gắng cử động do các mảnh xương vỡ cọ xát vào nhau.
- Xương biến dạng: Xương đòn hai bên không đối xứng, với một bên bị nhô ra ngoài hoặc xệ xuống. Bạn cũng có thể nhìn thấy rõ vai bị chấn thương nằm ở vị trí thấp hơn bình thường do mất sự hỗ trợ từ xương đòn bị gãy.
- Da bất thường: Mảnh xương vỡ dính chặt dưới da hoặc đâm xuyên qua da, khiến da rách hoặc căng bóng và nhô lên một cách bất thường.
- Tê hoặc lạnh cánh tay: Triệu chứng này xảy ra do các mảnh xương vỡ di chuyển và làm tổn thương dây thần kinh, mạch máu xung quanh.
Ngay khi nhận thấy những dấu hiệu cảnh báo gãy xương đòn, bạn nên đến cơ sở y tế uy tín để thăm khám kịp thời. Bác sĩ sẽ kiểm tra bằng mắt thường và có thể yêu cầu chụp X-quang để xác định chính xác vị trí xương gãy, loại gãy và những xương bị ảnh hưởng. Trong trường hợp chấn thương nghiêm trọng (gãy loại C hoặc gãy nội khớp loại B), bạn sẽ phải chụp cắt lớp vi tính (chụp CT) để kiểm tra chi tiết hơn.
Nếu không can thiệp y tế đúng cách, gãy xương đòn có thể dẫn đến nhiều biến chứng như: chấn thương mạch máu hoặc dây thần kinh, xương hồi phục chậm hoặc không hồi phục hoàn toàn, xuất hiện khối u trong xương, tăng nguy cơ bị viêm xương khớp, tràn khí, tràn máu màng phổi…
Điều trị gãy xương đòn
Điều trị gãy xương đòn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như: vị trí gãy, mức độ nghiêm trọng của vết thương, độ tuổi và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Các phương pháp điều trị được áp dụng phổ biến nhất hiện nay bao gồm:
Cố định xương
Bạn có thể đeo đai số 8 hoặc mặc áo Desault – một loại áo bó sát có khả năng giữ vai và xương đòn cố định trong vài tuần (thường là 4 – 6 tuần). Cách này giúp xương không di chuyển sai lệch sang vị trí khác và liền lại một cách tự nhiên.
Lưu ý khi lựa chọn đai số 8 và áo Desault:
- Đai số 8: Đai phải làm từ chất liệu bền bỉ, khả năng chịu mài mòn, kéo giãn và chịu lực tốt như polyester hoặc nylon. Sản phẩm có kích thước và kiểu dáng phù hợp với cơ thể người dùng, không gây khó chịu khi sử dụng trong thời gian dài. Bạn nên mua đai số 8 có chứng nhận an toàn từ các tổ chức uy tín như UIAA hoặc CE.
- Áo Desault: Áo làm từ vải nhẹ, thoáng khí nhưng vẫn đảm bảo co giãn tốt, không cản trở các hoạt động hàng ngày. Bạn lựa chọn áo có kích thước vừa vặn với cơ thể. Áo quá chật có thể khiến bạn cảm thấy không thoải mái khi mặc thường xuyên. Đối với trường hợp áo quá rộng, khả năng hỗ trợ vai và xương đòn sẽ giảm.
Phẫu thuật
Mảnh xương vỡ lệch ra khỏi vị trí bình thường và làm tổn thương nghiêm trọng các mô mềm xung quanh như: gân, dây chằng, dây thần kinh, mạch máu… Lúc này, bác sĩ có thể yêu cầu phẫu thuật để loại bỏ các mảnh xương bị gãy vụn, đồng thời ghép các mảnh xương gãy lại với nhau và giữ chúng cố định bằng vít, tấm kim loại hoặc dây chằng nhân tạo.
Phẫu thuật thường được chỉ định trong trường hợp gãy xương đòn loại B khi dây chằng quạ đòn đứt hoặc gãy xương đòn loại C.
Vật lý trị liệu
Khi xương bắt đầu lành, chuyên gia sẽ hỗ trợ bạn thực hiện một số bài tập phục hồi chức năng, giúp lấy lại sức mạnh cơ bắp, hạn chế cứng khớp và cải thiện phạm vi hoạt động. Các bài tập thường được áp dụng như:
- Bài tập chuyển động không trọng lực: Đứng và cúi người về phía trước, tay không bị thương nắm chặt chỗ dựa, tay bị thương được thả lỏng và chuyển động nhẹ nhàng theo chiều kim đồng hồ, ngược chiều kim đồng hồ trong khoảng 5 – 10 phút.
- Bài tập kéo giãn: Tay không bị thương kéo nhẹ tay bị thương qua trước ngực và giữ nguyên tư thế này trong 15 – 30 giây, lặp lại khoảng 2 – 3 lần.
- Bài tập dùng dây kháng lực: Buộc một đầu dây kháng lực vào điểm cố định, đầu còn lại được giữ bằng tay bị thương. Kéo dây từ từ về phía sau hoặc sang ngang, giữ nguyên tư thế trong khoảng 5 – 10 giây rồi từ từ trở về vị trí ban đầu, lặp lại 10 – 15 lần.
- Bài tập nâng cánh tay: Nằm ngửa, hai tay thả lỏng và đặt dọc cơ thể. Nhẹ nhàng nâng cánh tay bị thương lên phía trên đầu, để thẳng tay và dừng lại khi thấy dấu hiệu đau nhẹ hoặc cảm giác căng cứng. Giữ nguyên tư thế này khoảng 5 – 10 giây rồi hạ tay xuống, lặp lại 10 – 15 lần.
Sau khi thực hiện các bài tập vật lý trị liệu, bạn có thể chườm bằng khăn lạnh hoặc túi đựng đá trong khoảng 15 – 20 phút để làm dịu cơn đau và giảm sưng tấy.
Sử dụng thuốc giảm đau
Trong thời gian phục hồi, sử dụng một số loại thuốc phổ biến như acetaminophen, ibuprofen… là cách tốt nhất để kiểm soát cơn đau. Bạn lưu ý dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của chuyên gia, không lạm dụng để hạn chế tối đa các tác dụng phụ nguy hiểm ảnh hưởng trực tiếp đến gan, thận.
Gãy xương đòn bao lâu thì lành?
Thời gian để xương đòn lành lại hoàn toàn có thể khác nhau, tùy thuộc vào độ tuổi và mức độ nghiêm trọng của vết thương. Xương của trẻ em vẫn đang phát triển nên quá trình hồi phục sẽ diễn ra nhanh hơn so với người lớn, cụ thể như sau:
- Trẻ sơ sinh: khoảng 2 tuần.
- Trẻ dưới 8 tuổi: 3 – 6 tuần.
- Thanh thiếu niên: 6 – 8 tuần.
- Người lớn: 8 -12 tuần.
Gãy xương đòn có làm việc nặng được không?
Trong thời gian hồi phục sau gãy xương đòn, bạn không nên làm việc nặng vì điều này có thể ảnh hưởng đến quá trình liền xương, khiến xương liền lệch hoặc gãy xương tái phát. Thay vì cố gắng thực hiện một mình, bạn nên nhờ người giúp đỡ hoặc sử dụng dụng cụ hỗ trợ khi nâng, kéo, đẩy các vật nặng.
Chỉ sau khi xương đã lành hoàn toàn và không còn cảm thấy đau nhức trong quá trình cử động, bạn mới tăng dần cường độ làm việc một cách từ từ và có kiểm soát.
Tư thế nằm ngủ khi bị gãy xương đòn
Tư thế ngủ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phục hồi vết thương. Đối với người gãy xương đòn, nằm nghiêng về phía không bị thương là lựa chọn hoàn hảo nhất. Vì tư thế này giảm áp lực lên vùng xương đòn gãy. Ngoài ra, bạn có thể đặt gối sau lưng hoặc kẹp gối giữa hai chân để cảm thấy thoải mái hơn.
Nếu muốn thay đổi tư thế và chuyển sang nằm ngửa, bạn đặt thêm một chiếc gối mềm dưới cánh tay bị thương để nâng đỡ và hạn chế đau nhức.
Lựa chọn đệm mút hoạt tính chất lượng cũng là cách hỗ trợ tốt hơn cho xương đòn nói riêng và toàn bộ hệ thống xương trong cơ thể nói chung. Bên cạnh đó, bạn có thể bố trí thêm thanh nâng giát giường để tránh cúi người quá nhiều khi nằm xuống hoặc ngồi dậy để đứng lên. Điều này làm giảm căng thẳng và áp lực lên vai, đặc biệt là vùng bị tổn thương.
Lời khuyên cho người bị gãy xương đòn
Người bị gãy xương đòn nên lưu ý những vấn đề sau:
- Tuân thủ liệu trình điều trị của bác sĩ, không tự ý uống thuốc quá liều hoặc đổi sang loại thuốc khác để hạn chế tác dụng phụ có thể xảy ra.
- Không lái xe nếu vết thương chưa lành hoàn toàn.
- Hạn chế tối đa việc sử dụng vai và cánh tay bên xương đòn bị thương trong khoảng 4 – 6 tuần.
- Bổ sung thực phẩm giàu canxi có trong: sữa, sữa chua, phô mai, trứng… và vitamin D như: cá hồi, cá ngừ, ngũ cốc… để hỗ trợ quá trình liền xương.
- Tắm nắng trước 9 giờ sáng và sau 4 giờ chiều để hấp thu vitamin D tự nhiên qua da, giúp cơ thể sử dụng canxi tối ưu hơn, phục hồi nhanh vùng xương đòn bị gãy.
Mong rằng bài viết trên đã giúp bạn hiểu thêm về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị tình trạng gãy xương đòn. Mời bạn truy cập website menacal.vn để biết thêm nhiều thông tin hữu ích liên quan đến sức khỏe. Nếu có bất kỳ câu hỏi nào chưa được giải đáp, bạn có thể liên hệ tới hotline 1900 636 985 để nhận được tư vấn từ các chuyên gia.
References
↑1 | Broken Collarbone (Clavicle Fracture). Ngày truy cập:9/9/2024. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/16874-broken-collarbone-clavicle-fracture |
---|---|
↑2 | Clavicle Fractures – Injuries; Poisoning – MSD Manual Professional Edition. Truy cập ngày 04/ 09/ 2024. https://www.msdmanuals.com/professional/injuries-poisoning/fractures/clavicle-fractures |
↑3 | Broken collarbone – Symptoms and causes. Truy cập ngày 04/ 09/ 2024. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/broken-collarbone/symptoms-causes/syc-20370311 |