Gãy xương cẳng chân là chấn thương phổ biến, đặc biệt ở trẻ em, thanh thiếu niên thường xuyên chơi thể thao hoặc người già với chất lượng xương suy giảm. Việc hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị giúp bạn nhận thức tốt hơn về tình trạng của bản thân và hỗ trợ hồi phục hiệu quả. Cùng Menacal tìm hiểu chi tiết các thông tin trên trong bài viết dưới đây nhé!
Tổng quan về xương cẳng chân
Xương cẳng chân gồm 2 xương riêng biệt: [1]Broken Tibia-Fibula (Shinbone/Calf Bone) | Boston Children’s Hospital. Truy cập ngày 23/ 09/ 20224.
https://www.childrenshospital.org/conditions/broken-tibia-fibula-shinbonecalf-bone
Xương chày
Đây là xương lớn thứ hai trong cơ thể, sau xương đùi với cấu tạo được chia thành 3 phần là đầu gần, thân và đầu xa. Đầu gần là một khối xương to gồm lồi cầu trong và lồi cầu ngoài, loe rộng và khớp hoàn hảo với xương đùi. Thân xương dài và thon với bờ trước có thể cảm nhận qua da gọi là mào xương chày.
Đầu xa nhỏ hơn đầu gần, gồm mắt cá kéo dài xuống phía trong cổ chân, khuyết mác – nơi tiếp khớp với đầu dưới của xương mác và mặt khớp dưới tiếp giáp với xương sên.
Xương chày chịu phần lớn trọng lượng của cơ thể và áp lực chính trong quá trình di chuyển. Các cơ bám vào xương chày là: cơ may, cơ thon, cơ tứ đầu đùi, cơ bán mạc, cơ bán gân, cơ khoeo…
Xương mác
Xương mác chạy song song với xương chày và có chiều dài tương tự, nhưng mảnh hơn nhiều. Đầu gần nối với xương chày thông qua khớp chày – mác gần, không tham gia vào khớp gối. Đầu xa mở rộng tạo thành mắt cá ngoài và là một phần của khớp cổ chân.
Xương mác chịu ít trọng lượng, chủ yếu ở vị trí gần mắt cá chân nhưng vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định xương chày. Đây cũng là điểm bám của các cơ và dây chằng hỗ trợ quá trình di chuyển như: cơ nhị đầu đùi, cơ duỗi các ngón dài, cơ gấp ảo giác dài…
Gãy xương cẳng chân là gì?
Gãy xương cẳng chân là tình trạng gãy xương chày và xương mác cùng lúc. Chấn thương này vô cùng nghiêm trọng, cần can thiệp y tế đúng cách và kịp thời để tránh những biến chứng nguy hiểm xảy ra ảnh hưởng lâu dài đến chức năng vận động.
So sánh xương chày và xương mác
Dưới đây là bảng so sánh giúp bạn dễ dàng phân biệt xương chày và xương mác:
Tiêu chí | Xương mác | Xương chày |
Vị trí | Nằm bên ngoài và phía sau cẳng chân. | Nằm bên trong và phía trước cẳng chân. |
Kích thước | Nhỏ và mỏng. | To và dày. |
Chức năng chính | Hỗ trợ xương chày trong quá trình hoạt động, ổn định cổ chân. | Chịu phần lớn trọng lượng cơ thể và áp lực khi di chuyển, tham gia vào khớp cổ chân và khớp gối. |
Phân loại gãy xương cẳng chân
Gãy xương cẳng chân là một trong những chấn thương phổ biến và được phân loại theo nhiều cách như sau: [2]Tibia & Fibula Fracture (Broken Shinbone/Calf Bone). Truy cập ngày 25/ 09/ 2024.
https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/25043-tibia-and-fibula-fracture
Phân loại theo hình dạng hoặc kiểu của đường gãy
- Gãy xương ngang: Vết gãy theo đường thẳng, gần như vuông góc với xương.
- Gãy xương xiên: Vết gãy tạo ra ra một góc chéo với xương.
- Gãy xương xoắn ốc: Vết gãy theo hình dạng xoắn ốc quanh xương.
- Gãy từng đoạn: Xương cẳng chân bị gãy thành hai hoặc nhiều đoạn rời rạc khác nhau.
- Gãy xương vụn: Xương gãy ở ít nhất 2 vị trí thành những mảnh vụn nhỏ.
Gãy xương hở và gãy xương kín
- Gãy xương hở: Xương bị gãy đâm xuyên qua da, tạo thành vết thương hở dễ dàng nhìn thấy bằng mắt thường, tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Gãy xương kín: Xương bị gãy nhưng không làm rách da, ít tổn thương bên ngoài nhưng vẫn có thể rất nghiêm trọng ở bên trong.
Gãy xương cẳng chân di lệch và không di lệch
- Gãy xương di lệch: Các mảnh xương gãy không nằm thẳng hàng mà di chuyển xa khỏi vị trí ban đầu.
- Gãy xương không di lệch: Xương vẫn bị nứt gãy nhưng không lệch khỏi vị trí bình thường.
Phân loại theo vị trí gãy và giải phẫu xương chày và xương mác
- Gãy đầu gần xương chày: Tổn thương ở vùng xương chày tiếp giáp với đầu gối, còn được gọi là gãy mâm xương chày. Tình trạng này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định của đầu gối và sụn tăng trưởng.
- Gãy đầu xa xương chày và/hoặc xương mác: Chấn thương xảy ra ở vùng tiếp giáp với mắt cá chân, thường gặp ở trẻ em. Điều này có thể tác động lên tấm tăng trưởng, dẫn đến chênh lệch chiều dài chân và biến dạng vĩnh viễn.
Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết gãy xương cẳng chân
Vậy gãy xương cẳng chân do đâu và làm sao để nhận biết sớm nhất? Cùng tìm hiểu nhé! [3]Tibia (Shinbone) Shaft Fractures – OrthoInfo – AAOS. Truy cập ngày 25/ 09/ 2024.
https://orthoinfo.aaos.org/en/diseases–conditions/tibia-shinbone-shaft-fractures/
Nguyên nhân
Gãy xương cẳng chân thường xảy ra khi chơi thể thao, chủ yếu là các bộ môn va chạm mạnh hoặc tạo áp lực đột ngột lên cẳng chân như: bóng đá, bóng rổ, trượt patin… Ngoài ra, tai nạn giao thông, ngã từ trên cao xuống, loãng xương cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến chấn thương trên.
Dấu hiệu nhận biết gãy xương cẳng chân
- Đau nhức: Đau dữ dội xuất hiện ngay sau khi chấn thương, tập trung chủ yếu ở vùng xương gãy và có thể lan ra xung quanh. Cơn đau trở nên trầm trọng hơn khi di chuyển hoặc tạo áp lực lên chân, đôi khi dữ dội đến mức không chịu đựng được.
- Sưng tấy: Sưng kèm bầm tím, nóng rát do tình trạng viêm tại chỗ và tổn thương các mô mềm lân cận.
- Không thể cử động chân như bình thường: Đứng lên, bước đi, thậm chí khi thực hiện cử động nhẹ cũng trở nên đau đớn và khó khăn. Ngoài ra, bạn có thể nghe thấy rõ tiếng lạo xạo hoặc rắc trong quá trình di chuyển do các mảnh xương gãy ma sát với nhau.
- Biến dạng: Chân bị cong hoặc lệch ở vùng gãy. Tình trạng này có thể nhìn thấy rõ bằng mắt thường.
- Tê lạnh hoặc mất cảm giác: Cảm giác tê bì tập trung ở vùng gãy và lan lên đầu gối hoặc xuống các đầu ngón chân. Trong trường hợp xấu nhất, chân chuyển sang màu bất thường và mất cảm giác do tổn thương dây thần kinh.
Ngay khi xảy ra chấn thương và nhận thấy những dấu hiệu được nêu trên, bạn cần thực hiện các bước sơ cứu gãy xương cẳng chân cơ bản:
- Bước 1: Nằm trên mặt phẳng, duỗi thẳng chân và để bàn chân vuông góc với cẳng chân.
- Bước 2: Dùng nẹp đặt bên ngoài và bên trong cẳng chân. Độn bông ở hai đầu nẹp và mặt phía trong nẹp tiếp xúc với chân để tránh xây xát.
- Bước 3: Dùng băng cố định hai nẹp với nhau và giữ cho bàn chân luôn vuông góc với cẳng chân. Lưu ý: Tránh băng quá chặt để không cản trở quá trình lưu thông máu.
Sau đó, bạn nên nhờ người thân đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra và có phương án điều trị kịp thời.
Chẩn đoán gãy xương cẳng chân
Sau khi nhập viện, bạn sẽ mô tả triệu chứng mình gặp phải và nguyên nhân dẫn đến chấn thương. Các chuyên gia quan sát, sờ nắn, đánh giá khả năng vận động và kiểm tra nhịp đập của mạch máu để xác nhận bạn có bị gãy xương cẳng chân hay không.
Ngoài ra, bác sĩ sẽ đề xuất thực hiện một số xét nghiệm hình ảnh như: chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp vi tính (CT). Đây là cách giúp biết được chính xác vị trí gãy, kiểu gãy, tình trạng dịch chuyển của các mảnh xương cũng như mức độ tổn thương của mô mềm xung quanh.
Phương pháp điều trị gãy xương cẳng chân
Tùy thuộc vào mức độ gãy xương cẳng chân, bác sĩ có thể đề xuất các phương pháp điều trị bảo tồn hoặc phẫu thuật.
Điều trị bảo tồn
Điều trị bảo tồn được áp dụng khi gãy xương mức độ nhẹ, xương không bị di lệch nhiều, không tổn thương các mô mềm xung quanh hoặc người bệnh không đủ điều kiện về mặt sức khỏe để phẫu thuật.
Trong vài tuần đầu tiên, vết thương thường bị sưng tấy. Do đó, bác sĩ dùng thanh nẹp để có thể siết chặt hoặc nới lỏng tùy vào tình trạng sưng. Sau khi giảm sưng, bác sĩ có thể xem xét để bó bột.
Điều trị bằng phẫu thuật
Phẫu thuật có thể được khuyến nghị khi:
- Gãy xương hở có nguy cơ nhiễm trùng cao.
- Gãy thành nhiều mảnh xương vụn.
- Mảnh xương di lệch xa khỏi vị trí bình thường, không có khả năng tự lành.
Một số kỹ thuật thường được áp dụng: Cố định bên trong và cố định bên ngoài
Cố định bên trong:
- Bác sĩ sử dụng đinh được thiết kế đặc biệt đưa vào bên trong xương cẳng chân để sắp xếp các mảnh xương nằm đúng vị trí. Trong trường hợp không thể dùng đinh nội tủy, ví dụ: vết gãy kéo dài đến khớp gối hoặc khớp mắt cá chân, bác sĩ có thể dùng vít hoặc nẹp gắn vào bên ngoài xương để cố định.
- Bạn phải phẫu thuật lần 2 để loại bỏ đinh, nẹp hoặc vít ra ngoài sau khi hồi phục hoàn toàn. Một số trường hợp không thể lấy các vật liệu trên ra và phải sống chung với chúng suốt đời.
Cố định bên ngoài: Bác sĩ đặt vít vào bên trong xương, đồng thời kết nối với vít và nẹp hoặc giá đỡ ở bên ngoài. Đây là cách tạm thời để ổn định vết gãy trước khi thực hiện kỹ thuật cố định bên trong.
Quá trình hồi phục sau phẫu thuật cần những gì?
Gãy 2 xương cẳng chân bao lâu thì lành? Thời gian phục hồi phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ gãy xương, phương pháp điều trị và cách chăm sóc. Hầu hết các trường hợp gãy xương cẳng chân phải mất từ 4 – 6 tháng để lành hoàn toàn. Một số thậm chí còn mất nhiều thời gian hơn, đặc biệt khi gãy xương hở hoặc gãy thành nhiều mảnh vụn.
Vì vậy, bạn cần chú trọng trong việc chăm sóc để quá trình hồi phục sau phẫu thuật diễn ra thuận lợi:
Kiểm soát cơn đau
Tham khảo ý kiến bác sĩ để sử dụng một số loại thuốc giảm như: acetaminophen, thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAID), opioids…
Lưu ý: Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, đặc biệt khi dùng opioids để tránh tác dụng phụ ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe của bạn.
Vật lý trị liệu
Chuyên gia hướng dẫn bạn một số bài tập cử động chân phù hợp để ngăn ngừa cứng khớp, hồi phục sức mạnh cơ bắp mà không tác động quá nhiều lên vết thương.
Vậy gãy xương cẳng chân bao lâu thì tập đi được? Bạn chỉ nên tập đi khi có sự đồng ý của chuyên gia. Nên dùng nạng hoặc khung tập đi để được hỗ trợ và tránh té ngã. Một số lưu ý khi dùng nạng:
- Điều chỉnh độ cao của nạng sao cho phù hợp với bản thân. Phần trên của nạng cách nách khoảng 2 – 3 cm, tay cầm của nạng ngang hông, khuỷu tay cong nhẹ một góc khoảng 30 độ trong suốt quá trình sử dụng.
- Lựa chọn nạng có đế cao su với khả năng chống trơn trượt tốt để dễ dàng đi lại ở nhiều bề mặt khác nhau.
- Trong quá trình di chuyển, luôn giữ nạng sát cơ thể để tạo sự ổn định, dồn trọng lực vào tay chứ không phải vào nách.
- Bắt đầu từng bước ngắn, chậm rãi và tăng dần cường độ theo khả năng phục hồi của bản thân.
- Khi leo cầu thang, bước lên bằng chân khỏe, sau đó đến chân bị thương và cuối cùng là nạng. Khi xuống cầu thang, đặt nạng xuống dưới trước, sau đó đến chân bị thương và cuối cùng là chân khỏe.
Các biến chứng của gãy xương cẳng chân
Nếu không điều trị kịp thời và chăm sóc đúng cách, gãy xương cẳng chân có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như sau:
- Tổn thương mô mềm xung quanh: Xương gãy có thể làm rách và suy giảm chức năng của cơ, dây thần kinh, mạch máu, gân, dây chằng.
- Hội chứng chèn ép khoang cấp tính (ACS): Sau khi gãy xương cẳng chân, áp lực trong một khoang cơ bị tích tụ lại và tăng lên nhanh chóng. Điều này làm giảm lưu lượng máu, ngăn cản oxy và các chất dinh dưỡng đến cơ cũng như tế bào thần kinh gây tổn thương vĩnh viễn.
- Xương liền sai vị trí: Xương lành không đúng vị trí gây biến dạng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận động.
- Nhiễm trùng xương: Tình trạng này thường xảy ra khi bị gãy xương hở làm tăng nguy cơ nhiễm trùng do vi khuẩn. Đây là trường hợp rất khó điều trị, thường phải phẫu thuật nhiều lần và dùng kháng sinh trong thời gian dài.
Mong rằng bài viết trên đã cung cấp đủ thông tin để bạn có cái nhìn tổng quan về tình trạng gãy xương cẳng chân. Mời bạn truy cập website menacal.vn để biết thêm nhiều thông tin hữu ích liên quan đến sức khỏe. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào cần được giải đáp, bạn có thể liên hệ hotline 1900 636 985 để được chuyên gia tư vấn cụ thể.
References
↑1 | Broken Tibia-Fibula (Shinbone/Calf Bone) | Boston Children’s Hospital. Truy cập ngày 23/ 09/ 20224. https://www.childrenshospital.org/conditions/broken-tibia-fibula-shinbonecalf-bone |
---|---|
↑2 | Tibia & Fibula Fracture (Broken Shinbone/Calf Bone). Truy cập ngày 25/ 09/ 2024. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/25043-tibia-and-fibula-fracture |
↑3 | Tibia (Shinbone) Shaft Fractures – OrthoInfo – AAOS. Truy cập ngày 25/ 09/ 2024. https://orthoinfo.aaos.org/en/diseases–conditions/tibia-shinbone-shaft-fractures/ |