đặc điểm của bệnh còi xương

5+ đặc điểm của bệnh còi xương ở trẻ ba mẹ nên biết

05/11/2024 27 lượt xem

Còi xương là bệnh lý thường gặp ở trẻ em dưới 36 tháng tuổi, tuy nhiên trẻ ở độ tuổi lớn hơn cũng có thể mắc phải tình trạng này nếu chế độ dinh dưỡng không hợp lý. Bệnh này có thể điều trị dễ dàng qua bổ sung dinh dưỡng trong chế độ ăn hoặc thuốc uống, tuy nhiên điều quan trọng là ba mẹ cần nhận biết sớm các đặc điểm của bệnh còi xương để điều trị kịp thời.

Tổng quan về bệnh còi xương

Bệnh còi xương thường gặp ở trẻ em miền núi, nơi thường xuất hiện sương mù, ít ánh nắng mặt trời, hoặc những trẻ có chế độ dinh dưỡng thiếu chất.

Khái niệm bệnh còi xương

Còi xương là một căn bệnh ở trẻ em với đặc điểm là xương của trẻ quá mềm, khiến chúng cong vênh, dễ gãy hơn. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu vitamin D, nhưng trong một số trường hợp hiếm gặp, còi xương ở trẻ em có thể do rối loạn di truyền tiềm ẩn.

Còi xương khác với nhuyễn xương, một tình trạng có biểu hiện tương tự thường thấy ở người lớn. Sự khác biệt giữa hai bệnh này là còi xương chỉ xảy ra ở trẻ em vì xương của chúng vẫn đang phát triển, gây ra các triệu chứng là xương cong hoặc dễ gãy. Trong khi đó, xương của người lớn đã phát triển xong và không có triệu chứng này (trừ khi người đó bị còi xương không được điều trị khi còn nhỏ). [1]Rickets. Ngày truy cập: 19/10/2024.
https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/22459-rickets
.

Khái niệm bệnh còi xương
Khái niệm bệnh còi xương

Phân loại bệnh còi xương theo nguyên nhân

Trẻ bị còi xương do một số nguyên nhân sau đây:

  • Thiếu vitamin D: Thiếu vitamin D khiến cơ thể trẻ khó hấp thu canxi và phốt pho – những thành phần chính tham gia vào quá trình tạo xương. Hơn nữa, khi cơ thể thiếu vitamin D, hàm lượng canxi và phốt pho trong máu giảm, cơ thể có thể sẽ lấy những chất này từ xương để phục vụ cho các hoạt động sống.
  • Vấn đề về hấp thụ: Một số trẻ mắc phải các tình trạng bệnh lý ảnh hưởng đến sự hấp thụ vitamin D như: bệnh Celiac, bệnh viêm đường ruột, bệnh xơ nang hoặc các vấn đề về thận,…
  • Rối loạn di truyền: Là tình trạng trẻ bị khiếm khuyết trong tổng hợp dạng hoạt động của vitamin D (1,25-dihydroxy vitamin D), trong thụ thể vitamin D (VDR), tương tác vitamin D-VDRl hoặc khiếm khuyết về khoáng hóa xương là do hạ phosphat máu (thứ phát do mất phosphate qua thận). [2]Rickets. Truy cập ngày 19/10/2024.
    https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK562285/

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh còi xương ở trẻ em bao gồm:

  • Da sẫm màu: Da sẫm màu có nhiều sắc tố melanin hơn, làm giảm khả năng tổng hợp vitamin D từ ánh sáng mặt trời của da.
  • Thiếu hụt vitamin D ở mẹ trong thời kỳ mang thai: Trẻ được sinh ra từ người mẹ bị thiếu hụt vitamin D nghiêm trọng có thể mắc bệnh còi xương.
  • Vĩ độ phía Bắc: Những trẻ sinh sống tại các khu vực thuộc vĩ độ phía Bắc, nơi có ít ánh nắng cũng có thể gặp phải tình trạng thiếu vitamin D.
  • Sinh non: Trẻ sinh non hoặc có cân nặng khi sinh thấp cũng dễ mắc bệnh còi xương do cơ thể chưa hoàn thiện khả năng hấp thụ dinh dưỡng.
  • Thuốc: Sử dụng thuốc chống co giật và một số loại thuốc khác cũng có thể ảnh hưởng đến mức độ hấp thụ vitamin D của cơ thể.
  • Nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ: Sữa mẹ không cung cấp đủ vitamin D để ngăn ngừa còi xương.
Trẻ sinh non có nguy cơ cao mắc còi xương

Đặc điểm của bệnh còi xương

Trẻ bị còi xương thường được nhận biết qua các dấu hiệu sau đây:

Đặc điểm hình thái

Trẻ bị còi xương có các đặc điểm về hình thái mà cha mẹ có thể quan sát được:

  • Xương sọ mềm và lõm xuống hoặc xương thóp chậm liền
  • Ngực bồ câu và rãnh Harrison
  • Chi dưới cong, có thể dẫn đến dáng đi vòng kiềng nếu không được điều trị sớm
  • Cột sống:  Biến dạng cột sống và cong vẹo cột sống.
  • Răng mọc chậm và thiểu sản men răng gây nguy cơ sâu răng cao.
  • Ngoài ra, trẻ còi xương có thể hay ra mồ hôi trộm, dễ cáu gắt và khó ngủ.
Ba mẹ có thể nhận thấy dấu hiệu trẻ bị còi xương qua các đặc điểm hình thái

Đặc điểm nhận biết qua xét nghiệm, chụp X quang

Nếu trẻ có những đặc điểm của bệnh còi xương trên lâm sàng, ba mẹ nên đưa bé đi xét nghiệm và chụp X – quang để xác nhận chẩn đoán.

Khi thực hiện xét nghiệm máu, dấu hiệu của trẻ bị còi xương biểu hiện bởi các chỉ số bất thường như nồng độ canxi và phốt pho thấp, đồng thời có tăng hoạt động của enzyme phosphatase kiềm – dấu hiệu cho thấy xương đang trong tình trạng phát triển bất thường. Các xét nghiệm này giúp bác sĩ đánh giá thiếu hụt dinh dưỡng và mức độ suy yếu của xương.

Những phát hiện sớm nhất trên phim chụp X-quang về bệnh còi xương là sự mở rộng trục nhẹ ở đĩa tăng trưởng, tiếp theo là sự giảm mật độ của mặt tiếp hợp của đĩa tăng trưởng. Khi bệnh tiến triển, đĩa tăng trưởng mở rộng hơn, trong khi vùng vôi hóa tạm thời trở nên không đều. Những dấu hiệu này dễ quan sát thấy ở những vùng phát triển mạnh, chẳng hạn như đầu gối, xương cánh tay gần và cổ tay. [3]Rickets Diagnosis. Truy cập ngày 19/10/2024.
https://www.news-medical.net/health/Rickets-Diagnosis.aspx

Chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt cho trẻ bị còi xương

Trẻ bị còi xương cần có chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hợp lý để điều trị bệnh

Chế độ dinh dưỡng

Theo Viện dinh dưỡng, trẻ mắc bệnh còi xương cần có chế độ ăn cung cấp đầy đủ 4 nhóm chất thiết yếu, đó là: tinh bột, protein, lipid, vitamin và khoáng chất. Trẻ cần được bổ sung đầy đủ các vi chất cần thiết để đảm bảo sức khỏe xương như: canxi, phốt pho, magiê, kẽm và đặc biệt là vitamin D.

Cha mẹ nên bổ sung cho bé các loại thực phẩm giàu vitamin D và khoáng chất như các loại hải sản (cá hồi, cá ngừ, cá mòi, cá tuyết, cá trích, hàu, tôm,…), sữa và các chế phẩm từ sữa, lòng đỏ trứng gà, các loại ngũ cốc nguyên hạt,… Bên cạnh đó, cha mẹ có thể bổ sung cho trẻ các chất này qua các loại thuốc dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Chế độ sinh hoạt

Ba mẹ nên có thói quen tắm nắng cho trẻ, đặc biệt là những trẻ bị còi xương. Tắm nắng là phương pháp nhanh và dễ dàng nhất để bổ sung vitamin D. Ngoài ra, ba mẹ cũng nên khuyến khích trẻ còi xương lựa chọn các hoạt động thể thao thích hợp với độ tuổi và sức khỏe của trẻ để kích thích cơ thể trẻ tiết ra hormone tăng trưởng, tăng sự tích lũy khoáng chất trong xương, từ đó, giúp xương trở nên mạnh mẽ hơn.

Trên đây là những thông tin hữu ích để ba mẹ có thể nhận biết “Đặc điểm của bệnh còi xương ở trẻ”. Nếu còn thắc mắc nào về bệnh còi xương ở trẻ, hãy liên hệ với chúng tôi qua đường dây nóng 1900.636.985 hoặc website Menacal.vn để được giải đáp chi tiết nhất!

References

References
1 Rickets. Ngày truy cập: 19/10/2024.
https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/22459-rickets
2 Rickets. Truy cập ngày 19/10/2024.
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK562285/
3 Rickets Diagnosis. Truy cập ngày 19/10/2024.
https://www.news-medical.net/health/Rickets-Diagnosis.aspx