Biểu hiện của tật cong vẹo cột sống

Biểu hiện của tật cong vẹo cột sống: Cách phát hiện sớm và điều trị

04/11/2024 29 lượt xem

Hiện nay, tật cong vẹo cột sống ở nước ta đang có xu hướng gia tăng bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Việc phát hiện sớm các biểu hiện của tật cong vẹo cột sống sẽ giúp ích nhiều trong quá trình điều trị bệnh. Bài viết sau của Menacal sẽ giúp bạn tìm hiểu kỹ hơn về các triệu chứng của bệnh cong vẹo cột sống và những thông tin liên quan đến căn bệnh này.

Tật cong vẹo cột sống có dễ phát hiện không?

Cong vẹo cột sống là dị tật phổ biến với tình trạng cột sống bị cong vẹo bất thường, gây ra nhiều bất tiện cho người bệnh trong cuộc sống hàng ngày. Việc phát hiện sớm các biểu hiện của tật cong vẹo cột sống là vấn đề quan trọng để có những can thiệp kịp thời, giảm thiểu những biến chứng do bệnh gây ra. Bên cạnh đó, phát hiện sớm tật cong vẹo cột sống còn giúp người bệnh tránh phải thực hiện phẫu thuật nắn chỉnh vô cùng phức tạp.

Tật cong vẹo cột sống rất dễ nhận biết qua quan sát bình thường vì đây là tình trạng biến dạng bất thường của cột sống. Vẹo cột sống có thể vô tình được phát hiện bởi người thân hay bạn bè của bạn. Với trẻ nhỏ, bố mẹ thường phát hiện trẻ bị vẹo cột sống khi cho con tắm hoặc cho con đi bơi. Với người lớn, bệnh lý này có thể được phát hiện khi người bệnh mặc áo bó sát hoặc cởi trần.

Biểu hiện của tật cong vẹo cột sống

Những biểu hiện của tật cong vẹo cột sống sẽ khác nhau với đối tượng là trẻ em và người lớn.

Vẹo cột sống ở trẻ em

Trong hầu hết các trường hợp, tình trạng cong vẹo cột sống không được phát hiện cho tới khi trẻ bước vào giai đoạn tuổi dậy thì. Những triệu chứng cong vẹo cột sống điển hình bao gồm: [1]Scoliosis in Children. Truy cập ngày 23/10/2024.
https://www.cedars-sinai.org/health-library/diseases-and-conditions—pediatrics/s/scoliosis-in-children.html

  • Hai vai bị lệch, có độ cao không bằng nhau.
  • Đầu trẻ không ở chính giữa mà hơi nghiêng một bên.
  • Một trong hai bả vai nhìn rõ hơn bên kia.
  • Trẻ không mặc vừa quần áo.
  • Trẻ bị gầy hơn ở một bên cơ thể.
  • Hai chân trẻ dài không bằng nhau.
  • Một trong hai bên hông có thể nhô hơn bên kia.
  • Các xương sườn có độ dài không đều nhau.
Trẻ em bị vẹo cột sống có hai vai bị lệch
Trẻ em bị vẹo cột sống có hai vai bị lệch

Vẹo cột sống ở người lớn

Một số người lớn bị vẹo cột sống từ khi còn là thanh thiếu niên và một số người lớn gặp tình trạng này bắt đầu ở tuổi trưởng thành. Khi cơ thể già đi, tình trạng hao mòn sẽ làm hỏng xương và các khớp ở cột sống. Đĩa đệm nằm giữa cột sống bị phá vỡ, bị mất chiều cao và bắt đầu nghiêng, làm cho cột sống bị cong.

Dấu hiệu cong vẹo cột sống ở người lớn thường gặp đầu tiên là tình trạng đau lưng. Khi cột sống bị cong, nó có thể gây áp lực lên các dây thần kinh xung quanh và gây ra tình trạng tê. Một số các triệu chứng khác của bệnh vẹo cột sống ở người lớn gồm có: [2]How Do I Know If I Have Scoliosis?. Truy cập ngày 23/10/2024.
https://www.webmd.com/back-pain/do-i-have-scioliosis

  • Vai hoặc hông không đều nhau hoặc bị cả hai.
  • U cục ở lưng dưới.
  • Tê yếu hay bị đau ở chân.
  • Gặp khó khăn khi đi bộ.
  • Gặp khó khăn khi đứng thẳng.
  • Bị mệt mỏi.
  • Hụt hơi.
  • Mất chiều cao.
  • Gai xương.
  • Cảm thấy no nhanh khi ăn do cột sống đè lên bụng.

Hướng dẫn cách tự kiểm tra tật cong vẹo cột sống

Để tự kiểm tra tật cong vẹo cột sống tại nhà, bạn có thể tham khảo một số cách sau đây:

Cách 1: Kiểm tra ở tư thế cúi gập người

Đây là phương pháp đơn giản nhất được các bác sĩ sử dụng khi kiểm tra vẹo cột sống. Hãy để người bệnh đứng thẳng, sau đó từ từ uốn cong thắt lưng, hai tay cố gắng chạm mũi chân. Quan sát từ phía trước và phía sau xem một bên xương sườn, lưng dưới và hông có bị cao hơn bên còn lại không.

Kiểm tra cong vẹo cột sống khi cúi gập người
Kiểm tra cong vẹo cột sống khi cúi gập người

Cách 2: Kiểm tra ở tư thế đứng thẳng người

Thay đổi tư thế là một trong những biểu hiện cảnh báo sớm của tật cong vẹo cột sống và là dấu hiệu trước khi đường cong rõ ràng hơn. Khi ở cột sống xuất hiện đường cong bất thường, vai, thắt lưng và hông cũng bị đẩy khỏi đường liên kết vốn có. Lúc này người bệnh cần đứng thẳng người, quan sát từ 3 phía là phía trước, sau và bên hông. Người bị cong vẹo cột sống sẽ có dấu hiệu bị cong lưng bất thường, lệch vai.

Cách 3: Kiểm tra quần áo

Với trẻ nhỏ, việc chú ý về quần áo cũng giúp bố mẹ nhận ra tình trạng cong vẹo cột sống của con. Hãy chú ý ống quần của trẻ có bị dài ngắn không đều hay không, hoặc một bên tay áo có vẻ ngắn hơn bên còn lại hay không.

Cách 4: Chú ý tư thế khi bước đi

Có nhiều trường hợp cong vẹo cột sống làm cho người bệnh bước đi khập khiễng. Do đó khi quan sát tư thế khi bước đi và thấy cơ thể nghiêng về một bên hoặc bị chân thấp chân cao thì có thể cột sống đã bị vẹo

Phương pháp điều trị tật cong vẹo cột sống

Tùy từng trường hợp bị cong vẹo cột sống mức độ nặng hay nhẹ mà sẽ có các phương pháp điều trị khác nhau, bao gồm điều trị không phẫu thuật và điều trị phẫu thuật.

Điều trị không phẫu thuật

Với những trường hợp bị cong vẹo cột sống nhẹ, người bệnh có thể tập vật lý trị liệu hay sử dụng đai đeo cố định cột sống.

Tập vật lý trị liệu để chữa tật cong vẹo cột sống

Tập vật lý trị liệu là phương pháp chữa cong vẹo cột sống phổ biến, thậm chí bất cứ phương pháp điều trị nào cũng cần kết hợp với tật vật lý trị liệu để nâng cao hiệu quả điều trị và rút ngắn thời gian hồi phục.

Thực hiện các bài tập vật lý trị liệu sẽ giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp lưng và cột sống, tăng sự linh hoạt và sức mạnh cho vai, cổ và các nhóm cơ lưng, từ đó ổn định lại cấu trúc của cột sống. Một số bài tập hỗ trợ tăng cường sức khỏe cột sống gồm:

  1. Bài tập vươn tay chạm ngón chân

Động tác vươn tay chạm ngón chân là bài tập giãn cơ, giúp cơ vùng lưng và cột sống được kéo giãn. 

  • Ngồi duỗi hai chân trước mặt, khoảng cách hai chân đặt càng gần nhau càng tốt.
  • Ngồi thẳng lưng, hai tay duỗi trước mặt.
  • Từ từ đưa tay chạm ngón chân bằng cách hạ thấp phần thân trên và đưa người về phía trước, giữ lưng thẳng và giữ ít nhất 20 giây.
Động tác kéo giãn cơ vùng lưng và cột sống
Động tác kéo giãn cơ vùng lưng và cột sống
  1. Bài tập cây cầu nhỏ

Bài tập cây cầu nhỏ là bài tập tác động tới vùng lưng dưới, đặc biệt là phần hông và cột sống dưới. [3]Physical Therapy for Scoliosis?. Truy cập ngày 23/10/2024.
https://www.verywellhealth.com/physical-therapy-for-scoliosis-4797898

  • Nằm ngửa trên thảm tập, đặt chân rộng bằng hông, cong đầu gối lên.
  • Đẩy hông lên trên trong khi bàn chân giữ yên. Siết chặt cơ bụng trong khi tập để kích hoạt cơ lõi và cơ mông.
  • Giữ tư thế trong 1-2 giây rồi từ từ hạ người xuống.
  • Lặp lại động tác 5-10 lần, thực hiện 1-2 lần mỗi ngày.

Sử dụng đai đeo chỉnh cột sống

Biện pháp đeo đai chỉnh cột sống khá an toàn vì không hề xâm lấn. Dùng đai đeo giúp ổn định cấu trúc ống sống và hỗ trợ giảm đau cho người bệnh. Đây là phương pháp khá hiệu quả dành cho bệnh nhân không đủ thể trạng để thực hiện phẫu thuật.

Dùng đai đeo chỉnh cột sống và hỗ trợ giảm đau cho người bệnh
Dùng đai đeo chỉnh cột sống và hỗ trợ giảm đau cho người bệnh

Phương pháp điều trị phẫu thuật

Can thiệp phẫu thuật cột sống là phương án cuối cùng trong quá trình điều trị cong vẹo cột sống. Với những trường hợp bệnh quá nặng, người bệnh không đáp ứng các phương pháp điều trị nội khoa thì lúc này bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định đi phẫu thuật.

Các phương pháp phẫu thuật phổ biến gồm có phương pháp nắn chỉnh cột sống và phương pháp phẫu thuật cố định cột sống:

Phương pháp nắn chỉnh cột sống

Nắn chỉnh cột sống (Chiropractic) là phương pháp điều trị nắn chỉnh cột sống bằng tay theo tiêu chuẩn Mỹ, có tác dụng giảm đau tự nhiên và kích thích quá trình tự chữa lành của cơ thể mà không cần sử dụng thuốc hay phẫu thuật. 

Bác sĩ sẽ dùng tay nắn chỉnh đốt sống bị sai lệch về vị trí ban đầu, giải phóng áp lực chèn ép đĩa đệm và rễ thần kinh, từ đó khôi phục chức năng của hệ thần kinh cột sống, giảm đau cho người bệnh.

Thực hiện nắn chỉnh cột sống cho người bệnh
Thực hiện nắn chỉnh cột sống cho người bệnh

Phương pháp phẫu thuật cố định cột sống

Phương pháp phẫu thuật cố định cột sống là một quy trình y khoa phức tạp, nhất là khi có sự kết hợp loại bỏ đĩa đệm và dùng nẹp vít. Phương pháp này thường được áp dụng cho các trường hợp tổn thương dây chằng hoặc bị tổn thương xương đơn giản và làm mất vững vùng cột sống.

Chăm sóc sau điều trị

Sau khi điều trị tật cong vẹo cột sống, người bệnh cần thực hiện tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ để kiểm tra vết thương, theo dõi quá trình hồi phục của cơ thể, đồng thời phát hiện sớm các bất thường nếu có để xử lý kịp thời.

Thực hiện chăm sóc sau điều trị cong vẹo cột sống bạn cần nhớ:

  • Duy trì tư thế đúng khi ngồi và đứng: Hãy luôn duy trì tư thế đúng khi ngồi và đứng để giảm áp lực tác động lên cột sống. Dùng ghế có độ cao phù hợp để ngồi và khi đứng cần giữ lưng thẳng.
  • Thực hiện bài tập tăng cường cơ bắp: Tập những động tác tăng cường cơ bắp đặc biệt là cơ lưng và cơ bụng để giữ cột sống ở tư thế thẳng, giảm nguy cơ bị vẹo.
  • Hạn chế thời gian ngồi: Ngồi trong một thời gian dài có thể tạo áp lực lên cột sống, do đó bạn nên thay đổi tư thế thường xuyên và vận động nhẹ nhàng.
  • Điều chỉnh tư thế ngủ: Lựa chọn tư thế ngủ phù hợp nhằm giảm áp lực lên cột sống. Bạn có thể dùng thêm gối và đệm hỗ trợ để duy trì tư thế thẳng khi nằm ngủ.

Bài viết trên đã cung cấp những thông tin giúp bạn nhận biết được các biểu hiện của tật cong vẹo cột sống cũng như các thông tin liên quan. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, bạn hãy truy cập vào hotline 1900 636 985, hay truy cập website menacal.vn để nhận được tư vấn từ các chuyên gia.

References

References
1 Scoliosis in Children. Truy cập ngày 23/10/2024.
https://www.cedars-sinai.org/health-library/diseases-and-conditions—pediatrics/s/scoliosis-in-children.html
2 How Do I Know If I Have Scoliosis?. Truy cập ngày 23/10/2024.
https://www.webmd.com/back-pain/do-i-have-scioliosis
3 Physical Therapy for Scoliosis?. Truy cập ngày 23/10/2024.
https://www.verywellhealth.com/physical-therapy-for-scoliosis-4797898