Nhận biết và cách phòng tránh bệnh còi xương ở trẻ

Nhận biết và cách phòng tránh bệnh còi xương ở trẻ

22/10/2024 150 lượt xem

Còi xương là một trong những mối lo ngại lớn ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ nhỏ. Trẻ có thể thấp bé hơn so với các bạn khác, thậm chí bị biến dạng xương hoặc mắc các bệnh liên quan đến xương khớp. Vậy làm thế nào để nhận biết và đâu là cách phòng tránh bệnh còi xương hiệu quả? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!

Dấu hiệu nhận biết bệnh còi xương

Còi xương thường phát triển âm thầm và khó nhận biết trong giai đoạn đầu. Vì vậy, mẹ cần lưu ý thật kỹ những dấu hiệu dưới đây để ngăn ngừa bệnh tiến triển trầm trọng và khó điều trị: [1]Rickets – Symptoms & causes – Mayo Clinic. Truy cập ngày 15/ 10/ 2024.
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/rickets/symptoms-causes/syc-20351943

Triệu chứng ban đầu

  • Trẻ chậm phát triển chiều cao và cân nặng: Trẻ không đạt chuẩn chiều cao theo độ tuổi thường được xác định bằng biểu đồ tăng trưởng chuẩn, cân nặng không tăng thậm chí là giảm cân. Tương quan giữa chiều cao và cân nặng không hợp lý cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo còi xương.
  • Khó ngủ, ra nhiều mồ hôi: Triệu chứng này thường xảy ra khi cơ thể bé không bổ sung đủ canxi và vitamin D dẫn đến khó chịu, đau nhức ở các khớp xương, rối loạn chuyển hóa ảnh hưởng đến quá trình sản xuất hormone điều chỉnh giấc ngủ. Ngoài ra, trẻ còi xương còn bị rối loạn nhiệt độ cơ thể, ra nhiều mồ hôi đặc biệt là khi ngủ. 
  • Hay cáu gắt, khó chịu, ít vận động: Thiếu canxi và vitamin D khiến xương khớp đau nhức, gây khó khăn khi vận động. Đây cũng là lý do ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Trẻ thường xuyên quấy khóc, thay đổi tâm trạng đột ngột, ít giao tiếp, không muốn chơi đùa, trở nên thụ động hơn so với các bạn khác.
Trẻ bị còi xương thường cảm thấy khó chịu và hay quấy khóc.
Trẻ bị còi xương thường cảm thấy khó chịu và hay quấy khóc.

Triệu chứng rõ rệt

  • Biến dạng xương: Trẻ bị còi xương có thể bị chân vòng kiềng hoặc chân chữ X, xương ức nhỏ, đầu to, lồng ngực lép hoặc nhô ra. Những biến dạng này dễ dàng nhận thấy hơn trong giai đoạn trẻ bắt đầu tập đi. 
  • Chậm mọc răng, răng mọc không đều: Chậm mọc răng là khi trẻ trên 12 tháng tuổi chưa mọc chiếc răng nào, hoặc đến 2 tuổi mà chưa có ít nhất 4 chiếc răng. Ngoài ra, trẻ còi xương có thể mọc răng không theo thứ tự bình thường hoặc mọc không đều ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
  • Xương mềm dễ gãy: Xương thiếu chất thường yếu và có thể gãy dù chỉ va chạm nhẹ. 
  • Co giật: Những cơn co giật nghiêm trọng, xảy ra liên tục không kiểm soát ở toàn bộ cơ thể hoặc một phần cơ thể, kèm với co cứng cơ, run rẩy, tê bì, ngứa ran. Tình trạng này xảy ra do hạ canxi máu.
Xương biến dạng khi mắc bệnh còi xương.
Xương biến dạng khi mắc bệnh còi xương.

Nguyên nhân bệnh còi xương

Còi xương ở trẻ nhỏ có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân như: [2]Rickets – OrthoInfo – American Academy of Orthopaedic Surgeons. Truy cập ngày 15/ 10/ 2024. … Continue reading

  • Ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời: Cơ thể chúng ta có thể hấp thu vitamin D qua da dưới tác động của ánh sáng mặt trời. Vì vậy, nếu tiếp xúc không đủ, bé có thể thiếu vitamin D dẫn đến còi xương. 
  • Không dung nạp lactose: Trẻ không dung nạp lactose hoặc đang ăn kiêng hạn chế tiêu thụ sữa có nguy cơ mắc bệnh còi xương cao hơn.
  • Chế độ ăn uống thiếu dưỡng chất: Chế độ ăn uống không cung cấp đủ vitamin D, canxi, magie… hoặc ăn chay quá nghiêm ngặt có thể khiến xương bé kém phát triển.  
  • Tiêu thụ ít canxi: Trẻ hấp thụ ít hơn 300 mg canxi mỗi ngày (ít hơn khoảng một cốc sữa mỗi ngày) có nguy cơ bị còi xương cao.
  • Bú mẹ hoàn toàn: Sữa mẹ chứa rất ít vitamin D. Vì vậy, trẻ bú mẹ hoàn toàn trong thời gian dài mà không được bổ sung vitamin D đầy đủ dễ bị còi xương hơn các bạn khác. 
Trẻ bú mẹ hoàn toàn không được bổ sung vitamin D đầy đủ có thể bị thiếu chất.
Trẻ bú mẹ hoàn toàn không được bổ sung vitamin D đầy đủ có thể bị thiếu chất.

Cách phòng tránh bệnh còi xương

Cách phòng tránh bệnh còi xương ở trẻ nhỏ hiệu quả nhất là đảm bảo bổ sung đủ canxi và vitamin D:

Bổ sung đầy đủ canxi cho trẻ

Thực đơn giàu canxi cho trẻ bao gồm: sữa và các chế phẩm từ sữa, các loại rau xanh, đậu, hải sản, ngũ cốc… Trẻ không dung nạp lactose hoặc trẻ không uống sữa có thể dùng thực phẩm chức năng bổ sung canxi dạng lỏng, kẹo dẻo, viên uống… 

Lưu ý: Không nên bổ sung quá 500 mg canxi cùng lúc và quá 2000 mg canxi mỗi ngày để tránh dư thừa canxi gây ra các tác dụng phụ như táo bón, đầy bụng, buồn nôn, sỏi thận… [3]Calcium – Health Professional Fact Sheet. Truy cập ngày 15/ 10/ 2024.
https://ods.od.nih.gov/factsheets/calcium-HealthProfessional/

Bổ sung vitamin D cho trẻ 

Không giống như canxi, vitamin D chỉ xuất hiện trong một số ít loại thực phẩm tự nhiên, chủ yếu là các loại cá béo như: cá hồi, cá ngừ, cá thu…Mẹ có thể cho bé sử dụng các sản phẩm chứa vitamin D như sữa công thức hoặc viên uống bổ sung:

  • Trẻ sơ sinh nên tiêu thụ tối thiểu 400 IU vitamin D mỗi ngày.
  • Mẹ đang cho con bú nên bổ sung khoảng 4000 IU vitamin D mỗi ngày để tăng lượng vitamin D trong sữa mẹ.

Ngoài ra, trẻ em trên 6 tuổi nên tắm nắng 10 – 30 phút mỗi ngày trước 8 giờ sáng hoặc sau 4 giờ chiều để hấp thu vitamin D qua da. Lưu ý khi cho bé tắm nắng: [4]Sun Exposure in Children: Balancing the Benefits and Harms. Truy cập ngày 15/ 10/ 2024.
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7001416/

  • Bôi kem chống nắng với chỉ số SPF phù hợp cho bé.
  • Không tắm nắng quá lâu để tránh nguy cơ bị ung thư da. 
  • Trẻ nên mặc quần áo mỏng để da tiếp xúc với ánh sáng tốt hơn. Tuy nhiên, vùng da mặt và mắt vô cùng nhạy cảm cần được bảo vệ bằng mũ, khăn, kính.
  • Tắm nắng ở nơi thoáng mát, không có quá nhiều gió hoặc ánh nắng quá gay gắt.
Cho bé tắm nắng là cách phòng tránh bệnh còi xương hiệu quả.
Cho bé tắm nắng là cách phòng tránh bệnh còi xương hiệu quả.

Khi nào cần đưa trẻ đến bác sĩ?

Mặc dù đã áp dụng đủ các cách phòng tránh bệnh còi xương, nhưng một số bé vẫn có khả năng mắc bệnh này. Vậy khi nào cần đưa trẻ đến bác sĩ?

Dấu hiệu cần thăm khám ngay

Khi thấy trẻ có biểu hiện chậm phát triển chiều cao hoặc cân nặng, xương bị biến dạng, co giật, các triệu chứng không giảm dù đã thực hiện đúng cách phòng bệnh còi xương, mẹ nên đưa bé đi khám. Lúc này, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm để đưa ra kết luận chính xác nhất như:

  • Chụp X-quang: Phương pháp này giúp phát hiện các vết xương gãy, tình trạng cong vẹo, giảm mật độ xương cũng như các vấn đề xung quanh tấm tăng trưởng.
  • Xét nghiệm máu: Bác sĩ kiểm tra được nồng độ canxi, vitamin D và phospho trong máu, cũng như một số hormone cụ thể kiểm soát hoạt động của xương. 

Các bước điều trị cơ bản

  • Bổ sung vitamin D, canxi theo chỉ định bác sĩ: Bác sĩ đề xuất sử dụng một số sản phẩm bổ sung canxi và vitamin D ở dạng dễ hấp thu, hàm lượng phù hợp với từng trẻ. Mẹ tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ, không tự ý dùng hàm lượng lớn hơn để tránh các tác dụng phụ nguy hiểm đe dọa sức khỏe và sự phát triển của bé.
  • Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng: Trẻ cần ăn đủ chất, đặc biệt bổ sung thêm các thực phẩm tự nhiên giàu canxi và vitamin D đã nêu trên. 
  • Theo dõi sát sao tiến triển bệnh: Mẹ cho bé tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ. 
Tái khám theo đúng lịch của bác sĩ để kiểm tra hiệu quả điều trị bệnh còi xương.
Tái khám theo đúng lịch của bác sĩ để kiểm tra hiệu quả điều trị bệnh còi xương.

Mong rằng bài viết trên đã cung cấp thông tin chi tiết về cách phòng tránh bệnh còi xương, giúp bé phát triển khỏe mạnh và toàn diện, đặc biệt là trong giai đoạn đầu đời. Mời bạn truy cập website menacal.vn để biết thêm nhiều thông tin hữu ích liên quan đến sức khỏe của mẹ và bé. Nếu có bất kỳ câu hỏi nào chưa được giải đáp, bạn có thể liên hệ tới hotline 1900 636 985 để nhận được tư vấn từ các chuyên gia.

References

References
1 Rickets – Symptoms & causes – Mayo Clinic. Truy cập ngày 15/ 10/ 2024.
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/rickets/symptoms-causes/syc-20351943
2 Rickets – OrthoInfo – American Academy of Orthopaedic Surgeons. Truy cập ngày 15/ 10/ 2024.
https://orthoinfo.aaos.org/en/diseases–conditions/rickets/#:~:text=Ai%20c%C3%B3%20nguy%20c%C6%A1%20m%E1%BA%AFc%20b%E1%BB%87nh%20c%C3%B2i%20x%C6%B0%C6%A1ng%20do%20dinh%20d%C6%B0%E1%BB%A1ng%3F
3 Calcium – Health Professional Fact Sheet. Truy cập ngày 15/ 10/ 2024.
https://ods.od.nih.gov/factsheets/calcium-HealthProfessional/
4 Sun Exposure in Children: Balancing the Benefits and Harms. Truy cập ngày 15/ 10/ 2024.
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7001416/